MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã dừng phát hành bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”. Ảnh: TL

Tranh cãi về cuốn sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”: Dừng phát hành để rà soát, chỉnh sửa, bổ sung

HUYÊN NGUYỄN LDO | 09/10/2018 19:30

Bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông (9 tập, do Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn) được Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành đầu năm 2018 đã gây những tranh cãi về nhân vật Trần Hoằng Nghị. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã dừng phát hành bộ sách này. 

Băn khoăn về nhân vật lịch sử Trần Hoằng Nghị

Trong tập 3, Bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông viết về giai đoạn lịch sử từ thế kỉ X đến năm 1593, do PGS Nguyễn Minh Tường chủ biên, có nội dung: “Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên tổ của nhà Trần là Trần Lý...” đã gây phản ứng bất bình của dòng tộc họ Trần.

Theo Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát - nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Chính trị Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, Trưởng ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam bày tỏ: Nhân vật Trần Hoằng Nghị mới xuất hiện trong mấy năm gần đây trong một số hội thảo, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được ghi trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần, nhưng đã được đưa vào một bộ sách phổ biến những kiến thức lịch sử cơ bản, phổ thông, hướng đến đối tượng công chúng rộng rãi là không phù hợp, không có cơ sở.

Bên cạnh đó, phần viết về quê quán của Trần Thủ Độ cũng gặp sự phản đối khi dòng tộc họ Trần dẫn ra các tư liệu cho rằng: Bến Trấn (quê của Trần Thủ Độ) thuộc hương Tinh Cương xưa, sau gọi tên là xã Thái Đường nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (nơi có Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần) chứ không phải “nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình” như đã viết trong sách (trang 194). Ông Cát cho rằng những thông tin về nhân vật Trần Hoằng Nghị là chưa chính xác.

Đại tá Trần Nguyên Trung – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Hậu cần; Phó ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam cũng bày tỏ: Theo tác giả viết, Trần Hoằng Nghị là em trai cụ Trần Lý, là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ (?), trong khi đó, các tài liệu chính sử hay tư liệu của tỉnh Thái Bình đều không hề nhắc đến nhân vật lịch sử nào có tên là Trần Hoằng Nghị. Một số thông tin đưa ra trong tập 3, Bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông về nhân vật Trần Hoằng Nghị cũng có nhiều điều không đúng với thực tế hiện nay. Nhân vật Trần Hoằng Nghị chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có.

Dừng phát hành sách, chỉnh sửa nội dung

Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh nội dung này, ông Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội) – đơn vị biên soạn cuốn sách cho biết: “Những vấn đề một số người dòng họ Trần thắc mắc, tác giả cũng thống nhất sẽ bỏ đi, tức là khi tái bản sẽ không có các phần gây tranh cãi”.

Về vấn đề này, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản số 802/CXBIPH-QLXB ngày 24.9.2018 cho biết: Hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã dừng phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, để phối hợp với Viện Sử học và nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến đóng góp, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện toàn bộ nội dung của cả 9 tập sách theo nguyên tắc đảm bảo tính chính xác của các dữ liệu lịch sử.

Cần thiết thành lập hội đồng thẩm định quốc gia

Nhà sử học địa phương tỉnh Thái Bình Đặng Hùng cho biết: Nhân vật Trần Hoằng Nghị lần đầu tiên xuất hiện là tại hội thảo “Trần Thủ Độ, con người thời Trần” do Viện Sử học và Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thái Bình tổ chức vào năm 1995. Tại hội thảo, lần đầu tiên cụ Dương Quảng Châu công bố thân sinh của Trần Thủ Độ là “Trần Hoằng Nghị đại vương”. 

Nhưng sau đó, nhà sử học Đặng Hùng tổ chức một đoàn đi khảo sát trực tiếp tại một số địa phương thì phát hiện những dẫn chứng cụ Dương Quảng Châu nêu lên tại hội thảo là không đúng với thực tế. Tư liệu do cụ Dương Quảng Châu đưa ra không dựa vào cơ sở khoa học chính sử mà cơ bản là căn cứ vào các tài liệu điền dã.

Ngày 9.1.2007, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hoá Phương La” cũng kết luận chưa khẳng định có Trần Hoằng Nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn