MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Phạm Văn Tình. Ảnh: NV

Tranh cãi về đề thi Ngữ văn: “Thấu cảm” đã có trong từ điển Tiếng Việt từ lâu

Đặng Chung LDO | 28/06/2017 06:40
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã khép lại, tuy nhiên vẫn có những bình luận đa chiều, cùng những băn khoăn về việc sử dụng từ 'thấu cảm' trong phần Đọc hiểu của đề thi Ngữ văn có thể làm khó thí sinh, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Về vấn đề này, theo PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam – chuyện chẳng có gì đáng bàn cãi, vì từ “thấu cảm” tuy lạ, ít sử dụng trong giao tiếp, nhưng nó đã xuất hiện trong từ điển tiếng Việt từ lâu.

“Thấu cảm” có khó hiểu?

Những ngày qua, cụm từ “thấu cảm”, “trắc ẩn” xuất phát từ đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2017 đã được truy tìm, rồi trở thành “từ khóa” để các bạn trẻ sử dụng khi bày tỏ về một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Trong khi các sĩ tử khá thích thú, khen đề văn năm nay hay, mở, thì giới văn chương lại cho rằng đoạn trích trong cuốn sách “Thiện, Ác và Smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang thiếu tính văn chương, từ ngữ gây khó hiểu, chưa xứng tầm để sử dụng trong môt đề thi mang tính quốc gia.

Phần đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2017.

“Thiện, Ác và Smartphone” được phát hành vào 24.1.2017, do Nhã Nam liên kết với NXB Hội Nhà Văn thực hiện.  Trong cuốn sách, tác giả bàn nhiều đến “văn hóa làm nhục thời mạng xã hội”, thời “công nghệ một chạm”, người ta dễ dàng tiếp cận với nhiều luồng thông tin, chỉ với chiếc smartphone, nhưng cũng dễ dãi với những bình luận của mình trên mạng xã hội, sẵn sàng “ném đá” người khác. Cuốn sách đề cập đến vấn đề rất thời sự hiện nay và không xa lạ với giới trẻ-thời lên cấp ba đã biết lướt facebook, zalo thuần thục.

Có điều đây là lần đầu tiên, đề thi Ngữ văn THPT quốc gia sử dụng một văn bản trong tác phẩm vừa “ra lò”, của một gương mặt mới, chứ không phải tác phẩm văn học kinh điển. Chính Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng bất ngờ vì điều này, không nghĩ vấn đề mình đặt ra trong cuốn sách lại được Bộ GDĐT sử dụng để học sinh cả nước cùng bộc lộ quan điểm, bàn luận.

Còn nhớ, trong đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia 2015, học sinh từng phải bày tỏ quan điểm về “bệnh vô cảm” trong xã hội. Không ngẫu nhiên mà chỉ trong vòng hai năm, nhà giáo dục đã yêu cầu học sinh phải quan tâm tìm đến hai vấn đề “vô cảm” và “thấu cảm”. Nó không chỉ liên quan đến phạm trù đạo đức của con người, mà còn là những vấn đề thời sự diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống.

Theo giải thích của tác giả Đặng Hoàng Giang, trong tiếng Anh từ “empathy” có nghĩa tương đương với “thấu cảm”, được dùng rất phổ biến. Từ này cũng không hề khó hiểu. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, hiểu người kia nghĩ gì, cảm xúc ra sao từ đó có cư xử, điều chỉnh hành vi thích hợp. Theo tác giả, những người không có khả năng này là những người “điếc” cảm xúc và “vô cảm”.

“Thấu cảm” đã có trong từ điển Tiếng Việt

Những ngày qua, trên các diễn đàn đề thi ngữ văn năm nay được các học giả bàn luận sôi nổi. Rất nhiều cây bút có tiếng trong làng văn thẳng thừng chê đoạn trích trong cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang được sử dụng trong đề Văn đã làm hỏng tiếng Việt, vì sử dụng từ ngoại lai, Hán Việt. Bày tỏ quan điểm về điều này, PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng “đoạn trích là một băn bản chấp nhận được” và “không có gì đánh đố học sinh".

Theo PGS-TS Phạm Văn Tình, từ "thấu cảm" đã có trong từ điển tiếng Việt từ năm 2007. (Trong ảnh là cuốn tái bản vào năm 2011).

“Tôi nghĩ đề Văn năm nay giúp phân loại học sinh rất tốt, các em được tự do bày tỏ quan điểm của mình, sử dụng năng lực ngôn ngữ để bảo vệ quan điểm đó. Nếu nói những từ như thấu cảm, trắc ẩn trong đề thi làm mất sự trong sáng của tiếng Việt là hơi vội vàng. Chúng ta cần thấm nhuần một điều: Từ Hán Việt là một bộ phận của từ tiếng Việt. Mặc dù xuất phát từ nguyên là tiếng Hán,  nhưng từ này đã được Việt hóa cả về cách đọc và cách dùng” – TS Phạm Văn Tình cho biết.

Ông cũng khẳng định các từ “thấu cảm”, “trắc ẩn”, dù ít dùng trong giao tiếp hằng ngày, nhưng đã có trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học, NXB Đà Nẵng) từ năm 2007 đến nay. Trước đó, Từ điển từ mới Tiếng Việt đã thống kê từ năm 2002.  

“Từ thấu cảm (thấu hiểu và cảm thông sâu sắc) có thể lạ với một số người, nhưng đó là cái mới cần lưu ý. Học sinh hoàn toàn có thể suy luận và hiểu, vì ngay trong đề thi cũng 4 lần giải thích thế nào là thấu cảm rồi. Tôi nghĩ việc thêm vài ba từ mượn vào văn bản không ảnh hưởng nhiều tới thông điệp mà đoạn trích mang lại để giáo dục những người trẻ hiện nay về thái độ sống yêu thương và nhân văn với nhau” – Tiến sĩ Phạm Văn Tình chia sẻ.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn