MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến về việc có nên để ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia việc chọn SGK. Ảnh: Hải Nguyễn

Tranh cãi việc Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền tham gia chọn sách giáo khoa

Trà My LDO | 25/10/2023 10:59

Trước thông tin hội đồng lựa chọn sách giáo khoa có thể có sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều phụ huynh đã bày tỏ ý kiến trái chiều.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong các trường phổ thông. Theo đó, hội đồng lựa chọn sách của các trường do hiệu trưởng thành lập.

Hội đồng này sẽ bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban cha mẹ học sinh.

Dự thảo của bộ đã nhận về nhiều tranh luận. Một trong số đó là chi tiết Ban đại diện cha mẹ học sinh được quyền tham gia vào lựa chọn SGK.

Bàn về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Lợi - phụ huynh có con học tiểu học tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) - cho biết, bản thân phản đối việc để phụ huynh tham gia vào chọn SGK.

“Phụ huynh thực sự có đủ chuyên môn, năng lực để đánh giá được ưu, nhược điểm của từng bộ SGK hay không? Nếu phụ huynh tham gia vào hội đồng lựa chọn sách thì có lẽ, chỉ nên để họ theo dõi quá trình đánh giá, tổ chức buổi bỏ phiếu chọn sách chứ không thể đóng vai trò chủ chốt trong việc chọn SGK” - anh Lợi băn khoăn.

Chị Đào Mai Linh - phụ huynh có con học bậc THPT tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - lại đánh giá, phụ huynh cũng có thể tham gia vào quá trình chọn sách cho con.

“Cho phép phụ huynh được quyền tham gia vào chọn SGK cũng giống như việc nhà trường, giáo viên đang thể hiện sự tôn trọng với phụ huynh, học sinh. Về cơ bản, theo tôi nghĩ giáo viên và những người có chuyên môn sẽ có vai trò quan trọng nhất để quyết định chọn sách. Còn phụ huynh sẽ hỗ trợ, tham gia vào bàn bạc để cùng chọn ra bộ sách hợp lý nhất” - chị Linh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của phụ huynh này, cô Phạm Thị Sang - giáo viên Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) - nhìn nhận: “Phần lớn, về mặt chuyên môn, người quyết định chọn sách giáo khoa cho từng trường sẽ là giáo viên của trường ấy. Việc phụ huynh tham gia vào chọn SGK chỉ đơn thuần thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng ý kiến giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh”.

Trao đổi với Báo Lao Động, thầy Thái Hạo - chuyên gia về lĩnh vực Giáo dục - khẳng định, phụ huynh được tham gia chọn SGK là một đề xuất có ý nghĩa.

“Trước hết, nó đáp ứng thực tế rằng, hàng ngày chính phụ huynh cũng đang quan tâm về SGK. Thứ hai, trong phụ huynh có nhiều người có trình độ và chuyên môn do nghề nghiệp của họ mang lại. Vì thế, quyết định này đáp ứng được nhu cầu của xã hội và thỏa mãn đòi hỏi của một bộ phận người trong cuộc.

Ở Mỹ, SGK cũng được lựa chọn bởi nhiều đối tượng: chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh và công chúng nói chung, thậm chí có cả học sinh. Sau khi sách được các nhà chuyên môn chọn sẽ được đưa lên mạng xã hội cho phụ huynh đánh giá, phản biện, nêu quan điểm. Các ý kiến này sẽ được tổng hợp làm cơ sở cân nhắc, quyết định có đưa vào dùng hay không” - thầy Hạo cho hay.

Tuy nhiên, theo thầy Hạo, để việc lựa chọn này thật sự mang lại ý nghĩa, cần cân nhắc việc có nên để phụ huynh trong hội đồng chọn SGK hay không.

"Sau khi các chuyên gia, các nhà chuyên môn, giáo viên đã chọn thì đưa lên mạng cho phụ huynh đánh giá, tổng hợp ý kiến và xem xét để quyết định dùng hay không dùng. Cũng vì thế, cần mở rộng đối tượng phản biện. Lúc này, không chỉ gói gọn trong phụ huynh mà phải là công chúng nói chung” - thầy Hạo bày tỏ quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn