MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ khai giảng là dấu mốc quan trọng đánh dấu một năm học mới bắt đầu. Ảnh: Hải Nguyễn

Tranh cãi việc có cần ngày khai giảng năm học mới: Đừng nên tổ chức rình rang, hình thức!

Đặng Chung LDO | 03/09/2017 18:30
Ngày khai trường là sự mở đầu, có tác dụng tạo hứng khởi cho suốt một năm học, nhất là với thầy và trò. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, ngày khai giảng bây giờ không còn ý nghĩa như xưa, vì nó được tổ chức ngày càng rình rang và hình thức.

Tại sao lại tựu trường trước, khai giảng sau?

Hiện nay, theo quy định hiện hành, ngày kết thúc năm học là 31.5 và ngày khai giảng năm học mới là 5.9 (thời gian nghỉ hè là 3 tháng). Khung kế hoạch thời gian năm học được Bộ GDĐT ban hành hằng năm thường quy định các trường tổ chức tựu trường từ đầu tháng 8, khai giảng tổ chức vào ngày 5.9.

Trong khi ý nghĩa của ngày khai giảng là dịp để thầy trò gặp gỡ, sau 3 tháng nghỉ hè, để bắt đầu hành trình mới dưới mái trường. Cũng vì là ngày đầu tiên được gặp lại bạn bè, thầy cô, nên học sinh rất háo hức, xốn xang chờ đợi. Mỗi lần khai trường là dấu mốc một quan trọng trong đời người.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, học sinh đến nhận lớp, tựu trường trước hằng tháng rồi mới đến ngày khai giảng. Nhiều nơi còn tổ chức để học sinh tập luyện, như cách cầm cờ, vẫy hoa để đón đại biểu.

Trước những thực tế trên, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng “nên dẹp ngày khai giảng rình rang, sáo rỗng”. Anh đặt câu hỏi: "Có còn cần nữa ngày khai giảng, khi các cháu học sinh ở nhiều nơi vào đầu tháng 8 đã đến trường, và nhiều nơi thực ra đã học ngay trước ngày 5.9?".

“Ai đó sẽ nói, ngày đó vẫn cần thiết, trước hết đó là ngày toàn dân đưa trẻ đi học, và sau đó là dịp để bọn trẻ ăn mặc đẹp, để các trường tổ chức hoành tráng, để cha mẹ các cháu và chính các cháu cảm thấy sung sướng, vì được đến trường. Thực ra nếu chỉ vì như thế, thì ngày 5.9 cũng chẳng còn giá trị thực tiễn nữa, một khi người ta có thể cho trẻ mặc đẹp hàng ngày, chụp ảnh chúng rồi post lên mạng khi nào thích. Một lễ khai giảng đơn thuần là vì mục đích hình thức như bao lễ lạt chúng ta đã thấy nhan nhản hàng ngày trên báo hoặc tivi, để các lãnh đạo đọc diễn văn và hứa hẹn thành tích, để quay phim chụp ảnh, thì thực ra lại càng không cần thiết nữa” – nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ quan điểm.

Ngày khai giảng năm học mới là 5.9, sau thời gian nghỉ hè. Ảnh: Hải Nguyễn

Không nên tổ chức khai giảng rình rang

Bày tỏ quan điểm về việc có cần ngày khai giảng nữa không, khi học sinh đã tựu trường trước đó hàng tháng, MC Phan Anh cho rằng, ngày khai giảng vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên anh không ủng hộ việc con em mình phải “phơi nắng để nghe các bài phát biểu năm nào cũng giống năm nào, dài dòng không cần thiết".

Đồng tình với ý kiến này, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà - chuyên viên tư vấn tâm lý học đường - Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) chia sẻ thêm: “Mỗi chúng ta đều cần mốc thời gian để tạo sự thay đổi. Ngày khai giảng đánh dấu thời điểm bắt đầu một năm học mới. Dù bây giờ các em tựu trường sớm hơn, nhưng thời điểm nghe tiếng trống khai trường trong ngày khai giảng vô cùng thiêng liêng, tạo động lực để học sinh và thầy cô bắt tay vào thực hiện mục tiêu của năm học mới.

Kể cả việc học sinh phải đi tập luyện trước khai giảng tôi thấy không có gì đáng lo ngại. Các em vẫn háo hức, thậm chí tự hào khi được thầy cô tin tưởng giao cho một nhiệm vụ nào đó để cùng tổ chức lễ khai giảng, như biểu diễn văn nghệ, chuẩn bị cờ hoa. Đó sẽ là trải nghiệm và một kỷ niệm với mỗi học sinh”.

Cũng theo cô Thu Hà, để ngày khai giảng không quá hình thức, học sinh không mất nhiều thời gian ngồi nghe các bài diễn văn, thì các trường có thể linh động trong việc tổ chức.

“Chúng ta hoàn toàn có thể cắt những tiết mục không phù hợp, hoặc thay đổi hình thức tổ chức. Ví dụ như không cần phải có quá nhiều người phát biểu. Chúng ta nên giới hạn trong phạm vi những nội dung thật sự cần thiết, như thông báo chương trình học, tuyên bố rằng năm mới đã bắt đầu, điều đó sẽ tốt hơn cho học sinh” - Thạc sĩ Vũ Thu Hà nói thêm.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018 diễn ra cuối tháng 8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định nhờ nỗ lực của ngành giáo dục, trong vài năm gần đây việc tổ chức khai giảng trong nhà trường đã bớt nhiêu khê.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng đã đến lúc phải bàn bạc xem thời gian nghỉ hè kéo dài theo quy định từ trước tới nay có còn phù hợp không, mặt nào được, mặt nào chưa được. "Ví dụ về mặt chưa được là ở các đô thị, việc nghỉ hè dài khiến phụ huynh, nhất là phụ huynh trẻ, không biết làm thế nào để lo cho con. Trong khi đó, thực tế hiện nay các trường đều tựu trường sớm. Vì vậy cần phải xem lại, nếu không việc khai giảng sẽ rất hình thức" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn