MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy định số tiết dự giờ của giáo viên hiện nay như thế nào? Ảnh minh hoạ: Minh Hà

Tranh luận của giáo viên xoay quanh việc dự giờ, thăm lớp

TRÀ MY LDO | 15/01/2024 14:00

Nhiều ý kiến của giáo viên cho rằng, nếu hoạt động dự giờ chỉ dừng lại ở việc học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau thì công việc này sẽ đơn giản hơn nhiều.

Dự giờ không còn là hình thức bắt buộc

Một trong những điểm mới của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 1.11.2020 là quy định giáo viên không còn bắt buộc phải dự giờ đồng nghiệp hoặc được đồng nghiệp dự giờ, trừ việc tham dự các kì thi giáo viên giỏi.

Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 21, hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của giáo viên bao gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng không có quy định về hoạt động dự giờ, thăm lớp.

Thời điểm hiện tại, việc dự giờ vẫn duy trì với giáo viên bậc tiểu học. Trong khi đó, không còn quy định về sử dụng sổ dự giờ đối với giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động dự giờ vẫn được nhiều nhà trường duy trì.

Tranh luận về việc giáo viên phải dự giờ, thăm lớp

Đối với cô Phan Thị Lan - giáo viên cấp THPT tại Hà Tĩnh, dự giờ cũng là một hoạt động tốt, nhất là với giáo viên mới ra trường.

"Đối với tôi mà nói, dự giờ là hoạt động rất tốt. Để chuẩn bị một tiết dự giờ, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức và có một tinh thần tốt. Trong quá trình dạy, giáo viên cần trải qua hoạt động dự giờ để chứng minh khả năng, phương pháp giảng dạy của mình" - cô Lan chia sẻ.

Bàn về quy định dự giờ của giáo viên hiện nay, cô Nguyễn Thị Nhâm - giáo viên Trường Tiểu học Tràng An (Quảng Ninh) - băn khoăn khi việc dự giờ hiện nay không được đồng bộ giữa giáo viên các cấp học.

“Giáo viên tiểu học vẫn phải thực hiện đều đặn việc dự giờ nhưng các cấp học khác thì lại không. Điều này khiến nhiều giáo viên cũng thắc mắc và hơn hết, việc dự giờ nên được thực hiện như thế nào đối với giáo viên là điều rất được nhiều người quan tâm” - cô Nhâm nói.

Đồng quan điểm với Nhâm, cô Ngô Thị Lê - giáo viên cấp THCS tại Hải Phòng - cũng cho rằng, việc dự giờ hiện nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến. Về phía cô Lê, giáo viên này ủng hộ quy định bỏ dự giờ để tránh được nhiều hạn chế.

"Theo quy định hiện hành, việc dự giờ không còn là việc ép buộc nữa. Tuy nhiên điều này chỉ áp dụng với giáo viên cấp THCS và THPT. Đối với giáo viên tiểu học và giáo viên chủ nhiệm, việc dự giờ vẫn phải thực hiện đầy đủ. Bản thân tôi thấy rằng, nếu giáo viên chủ nhiệm được dự giờ lớp mình học sẽ nắm bắt được tình hình học tập của các em ở các bộ môn khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên khi dự giờ, tôi mong muốn các trường sẽ có cách thức tổ chức để các giáo viên được thoải mái nhất trong việc dự giờ, tránh hình thức, tạo áp lực cho các thầy cô và học sinh" - cô Lê nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn