MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với mỗi thế hệ học sinh, không lạ gì những tiết dạy và học khi có giáo viên đến dự giờ.

Tranh luận “nóng” về việc nên thi hay xét giáo viên dạy giỏi

Đặng Chung LDO | 07/04/2019 11:50
Còn thi giáo viên dạy giỏi, có thể vẫn còn tình trạng “diễn”. Nhưng nếu chuyển từ việc thi sang xét công nhận giáo viên dạy giỏi, thầy cô lo lắng có thể xuất hiện tình trạng “làm đẹp hồ sơ”.

Không thể đánh giá giáo viên dạy giỏi thông qua 1 tiết

Giáo viên “gài” trước câu hỏi, học sinh được “phân vai” trả lời; học sinh ngoan, học giỏi được vào lớp, học sinh kém phải ở nhà,… là những câu chuyện từng gây bức xúc trong dư luận liên quan đến việc thi giáo viên dạy giỏi.

Trước những ý kiến này, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi quy định về thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi. Bộ dự định sẽ chuyển từ hình thức thi sang xét công nhận giáo viên dạy giỏi.

Trước đây, giáo viên phải tham gia hội thi, trong đó có việc thực hành giảng dạy hai tiết để hội đồng đánh giá. Giáo viên sẽ có ít nhất một tuần chuẩn bị cho tiết thực hành này.

Bộ GDĐT cho rằng việc đánh giá giáo viên dạy giỏi thông qua 1-2 tiết dạy như vậy là không thực chất, mà sự đánh giá phải là cả quá trình, với các tiêu chí như sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng. Vì vậy, việc chuyển sang xét giáo viên dạy giỏi sẽ đảm bảo được yêu cầu này. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm giảm áp lực cho giáo viên.

 Toàn cảnh tọa đàm.

Ngày 6.4, tại Hà Nội, Bộ GDĐT đã tổ chức tọa đàm để lấy ý kiến về vấn đề này. Theo ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), Dự thảo thông tư quy định điều kiện xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện và tỉnh thông qua các tiêu chí.

Hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ, minh chứng của giáo viên, nghiên cứu chất lượng đạt được của các hồ sơ và họp lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp được 2/3 thành viên của hội đồng trở lên nhất trí thì công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.

Bộ sẽ xây dựng bộ tiêu chí cốt lõi, sẽ chú trọng việc chọn lựa những người đủ năng lực, phẩm chất để tham gia hội đồng xét giáo viên dạy giỏi, đảm bảo khách quan, công bằng, thúc đẩy và vinh danh những giáo viên tích cực đổi mới sáng tạo trong dạy học.

Lo tình trạng “làm đẹp hồ sơ”

Tại tọa đàm, nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn về đề xuất chuyển từ thi sang xét giáo viên dạy giỏi của Bộ GDĐT.

Cô Phạm Thị Vân Anh (Trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội) cho rằng, việc công nhận giáo viên dạy giỏi có thể sẽ chuyển từ áp lực này sang áp lực khác. Trước đây, giáo viên bị áp lực để chuẩn bị tiết dạy thực hành thì sau này có thể bị căng thẳng vì chuẩn bị hồ sơ nhằm đáp ứng điều kiện xét, công nhận giáo viên giỏi.

Ai dám cam đoan không xảy ra tình trạng “làm đẹp hồ sơ” để lấy thành tích.

Cô mong Bộ GDĐT sớm hoàn thiện quy trình cụ thể, chọn đúng tiêu chí cốt lõi và thực sự cần thiết để giảm tải thời gian chuẩn bị hồ sơ cho giáo viên.

Đồng quan điểm, cô Trần Lan Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Quang (Hà Nội) băn khoăn, trong cuộc bỏ phiếu liệu có đánh giá cảm tính, tình cảm cá nhân hay không? Nếu việc này xảy ra sẽ lại phát sinh bất cập.

Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý hội thi giáo viên dạy giỏi, cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đánh giá, dù có một số mặt trái đã được dư luận chỉ ra, hội thi vẫn mang lại những lợi ích không thể phủ nhận.

Để có một tiết học dự thi, tất cả thành viên từ bộ phận thiết bị đến giáo viên cùng môn, khác môn đều phải xung trận. Đây là một hoạt động tập thể có ý nghĩa rất lớn để giáo viên trao đổi chuyên môn, tích cực đổi mới sáng tạo trong dạy học và nên được duy trì.

Nên đánh giá giáo viên bằng sự tiến bộ của học trò

Có quan điểm khác, cô Đào Ngọc Thủy (Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm) đồng ý việc chuyển sang xét công nhận, nhưng nếu không có những áp lực từ các cuộc thi, giáo dục nhà trường sẽ không phát triển.

Cô kiến nghị, ở cấp trường vẫn nên để giáo viên tham gia các hội thi, nhưng hình thức này không nên duy trì ở cấp huyện và cấp thành phố. Quan trọng nhất là cần phải đánh giá cả một quá trình, dựa trên sản phẩm đầu ra của giáo dục.

PGS-TS Đỗ Xuân Thảo - Trưởng Khoa giáo dục tiểu học .

Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Xuân Thảo - Trưởng Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội – nêu thực tế thời gian qua, dư luận nói nhiều đến việc diễn giáo viên dạy giỏi. Ông tán thành quan điểm chuyển từ thi sang xét giáo viên dạy giỏi. Tuy nhiên, cách đánh giá nên tích hợp giữa đánh giá quá trình giảng dạy, thông qua tiết thi và đánh giá định kỳ.

Ông nhấn mạnh, trong việc xét công nhận giáo viên dạy giỏi nhất thiết cần thêm tiêu chí đánh giá của học sinh và phụ huynh. Việc này sẽ thúc đẩy giáo viên phải nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy trong cả quá trình, chứ không dừng ở việc tập trước 1-2 tiết dạy để đi thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn