MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 5 môn. Ảnh: Trang Hà

Tranh luận sôi nổi về số môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Thanh Hằng LDO | 28/10/2023 06:58

Thời điểm này, giáo viên và học sinh trên cả nước đều mong chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, để có lộ trình ôn tập phù hợp và chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi. Song, vấn đề còn gây tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau đó là số lượng các môn thi bắt buộc.

Ý kiến đa chiều từ học sinh

Hiện Bộ GDĐT đang thực hiện lấy ý kiến khảo sát rộng rãi về 3 phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm phương án 4+2 với 4 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, phương án 3+2 với 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn lựa chọn và phương án 2+2 với 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn.

Về phía học sinh, em Nguyễn Trang Anh - học sinh lớp 11 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bản thân thích phương án 2+2 với 2 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn. “Em hy vọng số môn thi sẽ ít nhất có thể, với phương án 2+2, em sẽ được tập trung vào các môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này, tạo nên hứng thú học tập và giảm áp lực ôn luyện, thi cử” - Trang Anh chia sẻ.

Khác quan điểm trên, em Hoàng Khánh Chi - học sinh lớp 11, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, bản thân nghiêng về phương án 3+2 vì đã quen với cách học và ôn thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Đồng thời, 3 môn bắt buộc này có mặt trong hầu hết các tổ hợp xét tuyển đại học nên dễ dàng hơn cho học sinh trong quá trình ôn tập.

Là một học sinh yêu thích môn Lịch sử, em Phạm Ngọc Bảo Nhi - học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng) rất mong chờ nếu phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 có Lịch sử là môn thi bắt buộc. Theo Bảo Nhi, Lịch sử là môn học hay, nếu là môn thi bắt buộc, em nghĩ các bạn học sinh sẽ có ý thức tự giác học tập môn này thay vì chỉ học thuộc lòng mà không hiểu sâu.

Quan điểm từ giáo viên THPT

Nêu quan điểm về số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cô Bùi Lệ Hằng - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ủng hộ phương án thi 3+2. Bởi đây là phương án phù hợp với định hướng ngành nghề cho học sinh trong tương lai, từ đó thí sinh có thể học tập phát triển theo đúng sở trường cá nhân.

Lý giải về việc không ủng hộ môn Lịch sử là môn thi bắt buộc, cô Hằng cho rằng: "Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá năng lực của thí sinh và là căn cứ để các trường tuyển sinh đại học. Những em lựa chọn các trường khối xã hội hoàn toàn có thể chọn thêm Lịch sử làm môn tự chọn, tránh ​gây ra sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh".

Cô Nguyễn Lương Thiện - Giáo viên môn Kinh tế pháp luật, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) ủng hộ phương án thi 3+2. Bởi ưu điểm của phương án thi 5 môn là công tác tổ chức thi và việc thi của thí sinh sẽ được giảm nhẹ, giảm tốn kém so với hiện nay. Việc được chọn 2 môn sẽ giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.

Cần sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025
Bàn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Chương trình có rất nhiều đổi mới từ nội dung học đến cách dạy, cách học so với chương trình cũ. Do đó, cần có những quy định đổi mới trong thi cử và đánh giá năng lực học sinh.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ GDĐT cần có chỉ đạo rõ ràng về đề thi đảm bảo đúng cấu trúc, ma trận. Đề thi cần đánh giá toàn diện về năng lực kỹ năng của thí sinh, tránh trường hợp đề không phân hóa được thí sinh, gây mất công bằng cho các em.

Thời điểm hiện tại đã đi được gần nửa chặng đường của năm học 2023-2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng không còn xa. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị Bộ GDĐT xem xét và sớm đưa ra phương án thi cụ thể và chú trọng kỹ lưỡng công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, hiệu quả và an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn