MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trường cần quan tâm tới chất lượng thực sự thay vì mải mê chạy theo tiêu chí của các bảng xếp hạng. Ảnh minh hoạ: HUYÊN NGUYỄN

Tranh luận về "cuộc đua" xếp hạng đại học: Đâu mới là thực chất?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 16/04/2018 10:00
“Nếu chúng ta không có được chất lượng và nền tảng thì không cẩn thận, lại dễ sa vào việc chạy theo tiêu chí của bảng xếp hạng mà không nghĩ đến chất lượng thật phía sau những tiêu chí của xếp hạng đó”, PGS.TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhận định như vậy khi được hỏi về vấn đề xếp hạng đại học hiện nay.

Nhiều tranh luận về xếp hạng đại học

Có hay không tham gia vào xếp hạng đại học (ĐH), tham gia cùng với quốc tế hay lập bảng xếp hạng riêng đang là vấn đề được giới chuyên gia, các trường ĐH tranh luận sôi nổi trong thời gian gần đây. Hiện có khoảng 16 bảng xếp hạng quốc tế được thừa nhận rộng rãi, trong số đó, QS (2004), THE (2010) và ARWU (2003) là các bảng xếp hạng có uy tín và nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng.

Thế nhưng, Việt Nam mới chỉ có 6 trường lọt top 400 đại học châu Á theo xếp hạng của QS là: ĐHQG Hà Nội xếp vị trí thứ 139; ĐHQG TPHCM ở vị trí 142; ĐH Bách khoa Hà Nội ở nhóm 291-300, ĐH Cần Thơ ở nhóm 301-350; ĐH Huế ở nhóm 351- 400; ĐH Đà Nẵng ở vị trí 417.

Bàn luận về vấn đề tham gia vào xếp hạng ĐH, GS Nguyễn Lộc - Phó Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành - cho rằng, nếu đi theo THE hay ARWU thì việc Việt Nam có mặt trên bảng xếp hạng là rất xa vời, bởi 2 bảng xếp hạng này yêu cầu cao về nghiên cứu và hợp tác quốc tế - 2 tiêu chí không phải là thế mạnh của ĐH Việt Nam.

Ở góc nhìn khác, lãnh đạo ĐH Duy Tân cho rằng: ĐH Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào bảng xếp hạng quốc tế. Minh chứng là trong 2 năm vừa qua, trường này đang “âm thầm” chuẩn bị hành trang theo tiêu chí của bảng xếp hạng THE. Theo vị lãnh đạo này, các trường nên có quyền tham gia nhiều bảng xếp hạng khác nhau giống như trên thế giới.

Ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - lại cho rằng, Việt Nam cần có bộ tiêu chí xếp hạng riêng, được xây dựng trên cơ sở tiếp cận kiểm định chất lượng giáo dục và hệ thống tiêu chí của các bảng xếp hạng quốc tế. Các trường sẽ ngồi lại cùng nhau để đưa ra các tiêu chí đánh giá cho xếp hạng. Một hiệp hội sẽ xét duyệt và Bộ GDĐT là người công nhận.

Quan điểm này bị nhiều ý kiến phản đối, bởi nếu Việt Nam đưa ra tiêu chí riêng thì chỉ có giá trị của Việt Nam, không được quốc tế thừa nhận. Mặt khác, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng về mức độ chuyên nghiệp, khách quan của các tổ chức đánh giá trong nước.

Lo ngại về vấn đề này, TS Lê Văn Út - ĐH Tôn Đức Thắng - lại bày tỏ, nhiều đơn vị công bố xếp hạng uy tín thực chất là doanh nghiệp nên có yếu tố thương mại, phải đóng rất nhiều tiền để tham gia. Cho nên, về mặt hình thức, xếp hạng là không có kinh phí nhưng bản chất phía sau có mục đích thương mại. Vì thế, Bộ GDĐT cần hết sức cảnh giác việc này.

Cần hướng tới chất lượng bền vững

Đi sâu về gốc rễ của câu chuyện xếp hạng, ông Vũ Thế Dũng - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM - cho rằng, phải hướng tới chất lượng. Tham gia xếp hạng là việc nên làm và nên phù hợp với sức của từng trường, bởi đây là công việc rất tốn thời gian, công sức. Các trường cần chú trọng đến chất lượng.

“Thực tế là nhiều trường ĐH châu Âu không tham gia xếp hạng. Nhiều trường ĐH lớn của họ gần đây mới tham gia. Họ không quá quan tâm chuyện này. Nếu xếp hạng được tổ chức đúng mục tiêu thì rất tốt. Còn nếu như các trường không tỉnh táo thì lại chạy theo 1 cuộc đua mới mà chưa chắc đã phản ánh thực sự chất lượng”- ông Dũng bày tỏ.

Về vấn đề này, tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 11.4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, chất lượng giáo dục ĐH, trách nhiệm cộng đồng và uy tín quốc tế là những yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến sự tồn tại và phát triển của các trường ĐH.

Nếu chất lượng giáo dục là sự đảm bảo các yếu tố, quy trình và nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu giáo dục cũng như cam kết của nhà trường đối với xã hội thì uy tín quốc tế là sự lan toả hình ảnh và sự thừa nhận quốc tế đối với trường ĐH, thể hiện qua hệ thống các đối tác chiến lược và vị trí xếp hạng quốc tế.

Bộ trưởng khẳng định, chất lượng giáo dục tạo ra nền tảng phát triển bền vững còn uy tín quốc tế giúp các trường đại học khẳng định vị thế và thu hút nguồn lực quốc tế, giúp trường đại học vươn xa hơn. Hai yếu tố này được kết tụ và thể hiện qua thương hiệu của trường đại học. Một trong những giải pháp quan trọng của giáo dục đại học là phải tiếp cận xếp hạng một cách minh bạch theo chuẩn quốc tế.

Đánh giá về việc tham gia bảng xếp hạng đại học, PGS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nêu quan điểm: Quá trình xác định chất lượng giáo dục ĐH trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên, phải đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn mực của chúng ta.

PGS.TS Phan Thanh Bình cũng nhắc lại 1 báo cáo tại hội thảo về giáo dục phổ thông do Uỷ ban tổ chức vào tháng 9.2017. Báo cáo này đã phân tích, khi Việt Nam tham gia bảng xếp hạng giáo dục phổ thông quốc tế là PISA, đó là những thành tích rất tốt. Nhưng nếu chúng ta không có được chất lượng và nền tảng thì không cẩn thận lại dễ sa vào việc chạy theo tiêu chí của bảng xếp hạng mà không nghĩ đến chất lượng thật phía sau lưng những tiêu chí của xếp hạng đó. Có nhiều trường có thể đạt tiêu chí nhưng chưa chắc có chất lượng.

“Có thể chúng ta có những thành tích trong xếp hạng nhưng sự phát triển chất lượng bền vững mới là quan trọng. Thành tích chỉ là nhất thời còn đẳng cấp mới là mãi mãi. Phát huy đến chất lượng và những chuẩn mực bền vững nhưng cũng không xem thường xếp hạng” - ông Bình nhận định.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban, Bộ GDĐT nên đi theo hướng 3 bước trên theo tinh thần chất lượng và kiểm định là cực kỳ quan trọng. Sau đó là xếp hạng trong nội bộ, và một số cơ sơ giáo dục đại học “sẽ bước ra thế giới”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn