MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương không tuyển thẳng lớp 10, cộng điểm ưu tiên cho học sinh có IELTS. Ảnh: Hải Nguyễn

Tranh luận việc cộng điểm ưu tiên, tuyển thẳng vào lớp 10 bằng IELTS

Vân Trang LDO | 25/02/2024 14:10

Có ý kiến giáo viên ủng hộ việc ưu tiên, tuyển thẳng lớp 10 học sinh có chứng chỉ IELTS, nhưng kèm thêm nhiều tiêu chí khác.

Nghệ An là một trong những địa phương tiên phong trong việc cộng điểm vào lớp 10 cho thí sinh có chứng chỉ IELTS. Từ năm 2021, Nghệ An đã tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS đạt 6.0 vào trường THPT công lập có lớp tiếng Anh tăng cường và 7.0 trở lên đối với Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu.

Ba năm nay, Quảng Trị cũng thực hiện miễn thi môn Tiếng Anh với thí sinh có IELTS và tương đương, quy đổi điểm chứng chỉ để xét vào lớp 10. Đạt 4.0 IELTS, học sinh được quy đổi thành 9 điểm; 4.5 và 5.0 IELTS lần lượt là 9,5 và 10 điểm.

Một số tỉnh thành như Tuyên Quang, Lào Cai, Bình Dương, Vĩnh Long cũng cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS. Theo các địa phương, điều này được cho là nhằm thúc đẩy năng lực ngoại ngữ của học sinh địa phương.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tối 23.2 đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy chế tuyển sinh THPT của bộ, tức không cộng điểm hay tuyển thẳng thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Như vậy, sau thông báo của Bộ GDĐT, các địa phương nêu trên sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch tuyển sinh lớp 10 và thông báo tới thí sinh.

Chị Trịnh Phương Ly - phụ huynh tại Cầu Giấy, Hà Nội - cho rằng, hiện nay, có 1 trào lưu bố mẹ đổ xô cho con đi học thêm, học ôn thi IELTS tại các trung tâm với chi phí vô cùng đắt đỏ ngay từ khi còn rất nhỏ. Điều này dẫn đến hệ luỵ, phụ huynh tập trung cho con học ngoại ngữ, bỏ qua các kỹ năng, năng lực phẩm chất khác.

"IELTS chỉ là 1 loại chứng chỉ thể hiện trình độ ngoại ngữ của người học, không liên quan đến việc đánh giá năng lực của người học. Do đó, nếu dùng chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có IELTS để tuyển thẳng vào lớp 10 là không phù hợp và không công bằng với những học sinh không có điều kiện, gia đình khó khăn" - chị Ly chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hoà) - lại cho rằng, Bộ GDĐT không nên cấm các địa phương cộng điểm hay xét tuyển thẳng thí sinh có IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ khác.

Theo thầy Lực, hiện nay, việc dạy ngoại ngữ tại các trường phổ thông đa số đều chú trọng 2 kỹ năng đọc, viết. Trong khi bản chất, để thi được chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có chứng chỉ IELTS là rất khó, đòi hỏi thí sinh cần thông thạo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Do đó, việc ưu tiên tuyển sinh vào lớp 10 nhóm thí sinh có chứng chỉ này là điều hợp lí.

"Mỗi địa phương có điều kiện kinh tế, đặc thù học sinh khác nhau. Có những nơi, học sinh học tiếng Anh còn kém, các địa phương khuyến khích những em có khả năng, điều kiện học, thi chứng chỉ ngoại ngữ là điều tốt. Đây cũng là nhu cầu chính đáng để nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ" - thầy Lực nói.

Song, thầy Lực cũng nhìn nhận, không phải bất kì học sinh nào cũng có điều kiện học, thi loại chứng chỉ này. Do đó, để đảm bảo công bằng, Bộ GDĐT có thể kiểm soát bằng cách giới hạn tỉ lệ tuyển thẳng, cộng điểm cho những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ tại các địa phương. Đồng thời, đề nghị các địa phương nâng ngưỡng điểm tối thiểu để được hưởng ưu tiên.

"Ví dụ, chứng chỉ IELTS, thay vì ngưỡng 4.0, các địa phương nên nâng lên mức 5.0 sẽ bắt đầu được tính điểm ưu tiên. Ngoài ra, cần kết hợp thêm các tiêu chí khác, không nên dùng chứng chỉ ngoại ngữ thay thế cho tất cả bài thi tuyển sinh lớp 10" - thầy Lực chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn