MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Minh Hà

Tranh luận việc giao kì thi tốt nghiệp THPT về địa phương

Vân Trang LDO | 05/12/2023 11:18

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ nghiên cứu lộ trình để giao kì thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương, thay vì tổ chức một kì thi có tính quốc gia như hiện nay.

Đề xuất giao kì thi tốt nghiệp THPT về địa phương từng nhiều lần được đề cập. Cử tri TPHCM cho rằng, hiện nay, bằng tốt nghiệp phổ biến nhưng không có nhiều ý nghĩa. Hàng năm, cả nước vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT.

Với lý do này, cử tri TPHCM kiến nghị Bộ GDĐT nghiên cứu cải tiến kì thi tốt nghiệp THPT, nên tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức kì thi.

Trả lời Lao Động về lộ trình triển khai giao địa phương tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT, GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục quản lí chất lượng, Bộ GDĐT - cho biết, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kì thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kì thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.

"Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước" - ông Chương nói.

Về phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT, ông Chương cho biết, giai đoạn từ năm 2025 - 2030, kì thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ giữ ổn định trên giấy. Giai đoạn sau 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Là phụ huynh có con học bậc THPT, chị Phạm Như Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại trước thông tin trên. Phụ huynh này cho rằng, nếu giao cho các địa phương tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT thì chất lượng giữa các tỉnh thành có độ chênh, dễ gây mất công bằng trong việc xét tuyển đại học.

"Nếu giao địa phương tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT, thì không nên sử dụng kết quả đó để xét tuyển đại học" - chị Như Thảo chia sẻ với Lao Động.

Trước đó, hồi tháng 2.2023, trong văn về kiến nghị liên quan đến giao kì thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT cần thiết để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỉ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.

Hiện, kì thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tại các địa phương, Bộ GDĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung và ra đề thi cho kỳ thi; UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kì thi ở địa phương, thực hiện tất cả các khâu đăng kí dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kể từ năm 2020, tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt trên 98%.

Các trường đại học, cao đẳng tham gia thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo điều động của Bộ GDĐT để góp phần tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, bảo đảm kết quả thi trung thực, khách quan, tin cậy, bảo đảm phục vụ tốt cho các mục đích tổ chức thi, nhất là tham khảo sử dụng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm theo tinh thần tự chủ.

Từ năm 2025, phương án thi thay đổi với chỉ hai môn thi bắt buộc và hai môn tự chọn để phù hợp với lứa học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn