MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội hiện có hơn 2,2 triệu học sinh. Ảnh: Vân Trang

Tranh luận việc Hà Nội cho học sinh học dưới hầm

KHÁNH AN LDO | 21/08/2023 06:45

Hà Nội xin xây tầng hầm cho trường học ở nội thành để khai thác quỹ đất, giảm quá tải học sinh. Theo các chuyên gia, để thực hiện việc này, cần tính toán đảm bảo không gian, ánh sáng phòng học cho học sinh.

Nhiều ý kiến trái chiều

“Chỉ cần nghĩ đến cảnh con tôi phải xuống hầm để học là tôi đã thấy tối tăm, bí bách rồi” - anh H.T.V (Ba Đình, Hà Nội) nêu quan điểm khi đọc được thông tin về việc Hà Nội xin xây tầng hầm để giảm quá tải chỗ học.

Cụ thể, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra mới đây, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, Hà Nội hiện có hơn 2,2 triệu học sinh. Những năm học gần đây, trung bình mỗi năm tăng 50.000 - 60.000 học sinh các cấp, tương đương với đó sẽ phải xây thêm 30 - 40 trường học mới.

Theo bà Hà, Hà Nội đang gặp sức ép lớn về việc dân số cơ học tăng nhanh. Ở các quận nội thành không còn quỹ đất, nhiều khu vực có hiện tượng quá tải chỗ học. Trong khi đó, việc xây trường mới ở ngoại thành cũng cần thời gian.

Vì vậy, bà Hà kiến nghị Hà Nội được hưởng cơ chế đặc thù, các trường trong khu vực nội thành được nâng tầng và xây thêm tầng hầm.

Sau khi đọc được thông tin này, chị N.C (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ủng hộ việc xây tầng hầm, song không đồng ý việc nâng tầng.

Chị N.C lấy dẫn chứng, hiện nay có rất nhiều khu vui chơi, trung tâm thương mại xây dưới tầng hầm nhưng vẫn đáp ứng đủ ánh sáng và không gian - vì vậy việc học sinh học tập dưới tầng hầm là hoàn toàn khả thi. Trong khi đó, việc nâng tầng các trường học có thể không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy và khiến học sinh gặp nhiều khó khăn khi không có không gian vui chơi.

“Thử lấy ví dụ, các cháu học sinh học trên tầng 6, tầng 7 thì mỗi lần ra chơi chạy được xuống đến sân chơi thì cũng hết giờ. Thêm vào đó, trong trường hợp có sự cố, học sinh không thể di chuyển nhanh nếu tòa nhà quá cao. Vì vậy, trong thời điểm thiếu quỹ đất thì việc xây hầm là hợp lý nhất” - chị N.C nói.

Trong khi đó, chị N.T.D (Hoàng Mai, Hà Nội) đề xuất, thay vì tính đến phương án nâng tầng, xây tầng hầm, Hà Nội nên thu hồi những dự án bỏ hoang nhiều năm để xây thêm trường.

“Tôi đọc được nhiều thông tin trường học quá tải, trong khi đó rất nhiều dự án quanh khu vực tôi đang sống bỏ hoang cả chục năm nay, để như vậy rất lãng phí” - chị D cho biết.

Cần tính toán kỹ lưỡng

Liên quan đến vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng, có 3 yếu tố cần đặc biệt quan tâm khi xây thêm hầm là yếu tố kỹ thuật, giáo dục, kinh tế.

TS Vinh cho biết, trong trường hợp xây thêm hầm cho trường học thì cần tính theo kết cấu của công trình đó để làm hầm, xem công trình liệu có bị ảnh hưởng hay không. Ngoài ra, cần đảm bảo độ an toàn về lụt lội, hệ thống thông gió và ánh sáng.
Nếu đảm bảo không gian về ánh sáng, không khí thì việc học dưới hầm là hoàn toàn có thể. TS Vinh dẫn chứng, giống như tại các thành phố lớn, người dân sinh hoạt dưới hầm rất nhiều, các ga tàu điện, công viên, siêu thị... đều được đặt dưới hầm.

Tiếp theo là xem xét về mặt kinh phí, xem rằng liệu việc xây hầm có tốn kém hơn việc nâng tầng hay không.

TS Vinh cho rằng, phương án tốt nhất vẫn là thu hồi đất dư thừa của doanh nghiệp, hợp tác xã để xây trường.

“Cần rà soát lại quỹ đất của Hà Nội. Xây trường tại những khu đất dư thừa sẽ tốt hơn, vì làm tầng hầm là một phương án phức tạp” - TS Vinh cho biết.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương - cho rằng, nếu có thể đảm bảo điều kiện ánh sáng, thoát khí, lượng không khí cho các học sinh thì hoàn toàn có thể xây thêm hầm cho trường học.

“Chắc chắn khi triển khai những việc này, Viện Nghiên cứu Thiết kế Trường học hay Bộ Xây dựng sẽ có những kỹ sư, những nhà chuyên môn tính toán việc tầng hầm ở dưới đất sâu bao nhiêu, độ sâu đó thì cần bao nhiêu ánh sáng, cần bao nhiêu không khí...

Những người này sẽ chịu trách nhiệm về việc ở trong môi trường đó có đủ ánh sáng, đủ không khí và đủ các biện pháp an toàn cho học sinh” - TS Sơn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn