MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình liệt sĩ Đặng Công Bỉnh trao tặng các phần quà cho học sinh và trường THCS Đặng Công Bỉnh. Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao

Trao tặng học bổng cho trường THCS mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh nhân kỷ niệm 27.7

Huyền Chi LDO | 25/07/2023 14:06

Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27.7, gia đình cháu nội Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, cũng như trang thiết bị học tập cho trường THCS Đặng Công Bỉnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Gia đình Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh đã trao 25 suất học bổng gồm tiền mặt và đồ dùng học tập cho 25 em học sinh và 10 TV dùng làm máy chiếu tại các phòng học cho trường THCS Nguyễn Công Bỉnh.

Được biết, nhà trường hàng năm tiếp nhận toàn bộ số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tại địa bàn xã Nhị Bình và toàn bộ số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đang lưu trú tại ấp 3, 4 thuộc xã Đông Thạnh theo công tác phân luồng thống nhất từ UBND huyện Hóc Môn thông qua cơ quan chuyên môn là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tiếp nhận học sinh lưu trú từ các tỉnh thuộc diện theo bố mẹ di cư, làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp trên địa bàn. Số học sinh diện lưu trú tại trường hằng năm dao động từ 40% đến 60% trên tổng số học sinh.

Học sinh trường THCS Đặng Công Bỉnh trong buổi trao học bổng. Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao

Ngôi trường mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh, người chỉ huy cánh quân mũi nhọn Tổng Long Huy Hạ. Để tưởng nhớ công ơn của người chiến sĩ đã hi sinh, TP.HCM đã đặt con đường mang tên Đặng Công Bỉnh tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM.

Năm 1996, UBND huyện Hóc Môn tiếp tục ra quyết định đặt tên một ngôi trường mang tên ông - trường THCS Đặng Công Bỉnh. Với diện tích 10852 m2, trường được thiết kế, xây dựng gồm 4 khu tổng cộng 50 phòng học, 14 phòng chức năng. Mỗi phòng học có diện tích 48m2 có khả năng phục vụ cho khoảng 2.000 học sinh mỗi năm.

Đến năm học 2022 - 2023, số học sinh cuối năm của trường là 1314 học sinh; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hiện có 69 người.

Ngôi trường mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh là nơi học tập và noi gương của hàng chục nghìn học sinh trong suốt gần 30 năm qua, mà mỗi năm, vào những dịp lễ, nhà trường cùng các em học sinh lại tưởng nhớ đến những người chiến sĩ dũng cảm đã hi sinh để giành độc lập cho đất nước.

Gia đình liệt sĩ và các học sinh trường Đặng Công Bỉnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Đặng Công Bỉnh sinh năm 1907, quê làng Tân Phú, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 và hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ lịch sử (1940).

Sinh thời, Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh sinh được 4 người con đều tham gia hoạt động cách mạng. Trong đó, cô con gái đầu là liệt sĩ hy sinh năm 1962 và người con trai lớn là ông Đặng Công Minh có nhiều đóng góp cho đất nước trong thời chiến.

Còn ông Đặng Văn Út năm nay đã 91 tuổi (hiện đang sống tại Hóc Môn) nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông xúc động kể lại ngày cha bị xử bắn: “Lúc cha tôi bị địch tử hình tại trường bắn rạp hát Hóc Môn, tôi mới lên 9 tuổi. Mẹ tôi đau khổ đến mức không dám đến tiễn đưa cha khi ông bị xử bắn, thậm chí bà không ra khỏi nhà, chỉ ngồi khóc. Tôi chứng kiến trước khi bị bắn, cha tôi vẫn hô to: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng vô sản thành công muôn năm!”

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn