MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trên 80% sinh viên Trường Cao đẳng ở Sóc Trăng có việc làm khi ra trường

Văn Sỹ LDO | 19/10/2022 22:40

Trong các năm học từ 2018 - 2022, Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng đã đào tạo và trao bằng tốt nghiệp cho trên 1.700 học sinh, sinh viên. Trong đó, có trên 1.500 học sinh, sinh viên có việc làm ổn định ngay sau khi ra trường.

Trước yêu cầu ngày càng cao về trình độ chuyên môn, kỹ thuật trong tuyển dụng việc làm của các công ty, doanh nghiệp, những năm gần đây công tác đào tạo của nhiều trường Cao đẳng, Đại học chuyển sang hướng đào tạo theo “đơn đặt hàng”, đào tạo gắn với giới thiệu giải quyết việc làm. Nhờ đó, đã cung ứng nguồn lao động chất lượng và tăng dần tỉ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường.

Ông Lâm Dũ Nhơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng cho biết, trong các năm học từ 2018 - 2022, trường đã đào tạo và trao bằng tốt nghiệp cho trên 1.700 học sinh, sinh viên. Trong đó, có trên 1.500 học sinh, sinh viên có việc làm ổn định với mức thu nhập trên 7,5 triệu đồng/tháng.

Để tạo được việc làm cho nhiều học sinh, sinh viên, trường đặc biệt chú trọng đến công tác tư vấn, hướng nghiệp. Đồng thời, tăng cường việc ký kết chương trình đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực với nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Greenfeed Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Việt Úc và Trường Cao đẳng Thaco… 

 Tăng cường đào tạo theo "đơn đặt hàng" Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng có trên 80% học sinh, sinh viên có việc làm sau ra trường. Ảnh: Văn Sỹ

Cùng với đó, trường tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề, trình độ đào tạo theo nhu cầu xã hội; đẩy mạnh kết nối với công ty, doanh nghiệp để gửi học sinh, sinh viên đến thực tập và giới thiệu việc làm cho các em.

“Bên cạnh đào tạo trình độ chuyên môn, kỹ thuật, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến giáo dục, rèn luyện kỹ năng, tình yêu nghề để học sinh, sinh viên hoàn thiện bản thân, đáp ứng tốt các điều kiện của nhà tuyển dụng. Vì thế mà thời gian qua, các công ty, doanh nghiệp rất hài lòng về nhân sự họ đã tuyển dụng từ Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng”, ông Nhơn chia sẻ thêm.

Anh Kim Mết, quê ở xã Thạnh Quới (H. Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) phấn khởi cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Điện tử công nghiệp, anh được vào làm ở xưởng bánh pía Quãng Trân ở thành phố Sóc Trăng với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng.

 Anh Kim Mết tại nơi làm việc

“Nhờ được nhà trường đào tạo bài bản và sát với thực tiễn, đồng thời giới thiệu, kết nối việc làm mà vừa ra trường đã được đi làm. Nhờ thực hành rất nhiều nên khi ra trường tôi làm được ngay các công việc tại đây. Hiện cuộc sống của tôi rất ổn định”, anh Mết chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh, ông Nguyễn Chí Lượng đánh giá, trong những năm qua, công ty kết nối với Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng đào tạo và nhận về làm hơn 40 nhân viên phụ trách các bộ phận kỹ thuật điện, vận hành, kế toán, máy tính, chế biến và bảo quản thủy sản,… tất cả đều làm việc rất tốt. Hiện tại và sắp tới, phía công ty vẫn đang gắn kết với nhà trường để “đặt hàng” đào tạo và nhận thêm hàng chục nhân viên ở nhiều nghề để làm việc.

Ký kết giữa Tập đoàn Việt Úc và Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng về đào tạo nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, những năm gần đây, nhờ tăng cường kết nối cung - cầu lao động và đào tạo gắn kết giới thiệu giải quyết việc làm của các trường trong và ngoài tỉnh đã giúp cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn nói chung, các khu công nghiệp nói riêng cơ bản được đảm bảo.

Tuy nhiên, công tác phối hợp và kết nối của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp còn chưa thật sự chặt chẽ và sâu sát nên vẫn còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật.

 Bà Nguyễn Thị Liễu - Phó Trưởng BQL các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội nghị kết nối thông tin cung - cầu lao động.

“Trong thời gian tới, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cùng Sở LĐTBXH, một số cơ quan, đơn vị tăng cường kết nối, tổ chức nhiều hoạt động để cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm để đào tạo lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu, nhu cầu thực tế, đảm bảo việc làm sau khi học xong. Có như vậy vừa giải quyết việc làm cho người dân trong tỉnh vừa cung ứng nguồn lao động chất lượng cho doanh nghiệp trong tỉnh”, bà Liễu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn