MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THCS Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) - nơi xảy ra sự việc phụ huynh tố giáo viên phạt học sinh tát nhau trong lớp

"Trong giáo dục không có kiểu phạt học trò tát nhau đến sưng má"

Bích Hà LDO | 20/10/2018 13:17
GS Hồ Ngọc Đại phản đối cách giáo dục bằng đòn roi và không chấp nhận kiểu trừng phạt học sinh bằng bạo lực, nhất là hành vi bắt học sinh tự tát vào mặt nhau.

Hai học sinh nói chuyện riêng trong lớp, bị ghi sổ đầu bài khiến lớp bị trừ điểm thi đua. Giáo viên vì nôn nóng thành tích đã phạt các em lên đứng trên bục giảng để kiểm điểm trước lớp. Học sinh và phụ huynh tố, cô không chỉ “bêu” các em trước lớp mà còn bắt học sinh tự tát vào má nhau để răn đe.

Đây là vụ việc xảy ra ở Trường THCS Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) xôn xao dư luận những ngày qua.

Từ vụ việc này, một lần nữa vấn đề nên hay không sử dụng hình phạt trong môi trường giáo dục lại được đặt ra. Phụ huynh bức xúc tố giáo viên vì trong giáo dục không có kiểu phạt bắt học trò tát nhau đến sưng má như thế.

Phạt thế nào để vừa có tính răn đe, không gây phản cảm và không vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo là điều không phải giáo viên nào cũng biết.

Là người đề cao chủ trương “mọi đứa trẻ đều phải được yêu thương và tôn trọng”, GS Hồ Ngọc Đại – tác giả chương trình “Công nghệ giáo dục” cho biết ông phản đối hình phạt bằng bạo lực mà giáo viên, phụ huynh sử dụng để dạy dỗ học sinh. Kể cả việc giáo viên bắt học sinh đứng trước lớp để bêu tên cũng không nên sử dụng trong môi trường giáo dục.

 

Ông kể những năm còn công tác tại Trường Thực nghiệm, ông luôn nhắc nhở giáo giáo viên, kể cả phụ huynh không được đánh và cần tôn trọng học sinh.

Có lần, GS Hồ Ngọc Đại chứng kiến việc một bà mẹ đánh con ở ngay trong sân trường. Lý do là học sinh này đến muộn. “Thấy thế tôi giận lắm. Tôi yêu cầu người mẹ phải xin lỗi học trò của tôi ngay. Người lớn không thể cho mình cái quyền được đánh trẻ như thế. Quan điểm của tôi là việc giáo dục bằng quyền uy, áp đặt. giáo dục trẻ bằng hình phạt, đòn roi không nên được khuyến khích” - GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

Với TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền), thì việc sử dụng hình phạt khi học sinh mắc lỗi là điều cần thiết. Tuy nhiên, kỷ luật cũng phải có tính giáo dục, chứ không nên theo kiểu trừng phạt, khiến học sinh sợ hãi.

Bà khuyên các giáo viên trẻ nên áp dụng những hình thức kỷ luật tích cực khi học sinh mắc lỗi. Chẳng hạn yêu cầu trước hoặc sau buổi học, học sinh phải vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, đọc sách, rồi trong giờ sinh hoạt lớp yêu cầu các em phải thuyết trình về ý nghĩa của những việc đó. Hình phạt này được giáo viên nhiều nước sử dụng vì mang tính giáo dục.

Nhiều giáo viên vi phạm quyền trẻ em mà không biết

Hiện nay nhiều giáo viên, kể cả phụ huynh chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, chính vì vậy vô tình đã có những hành vi xâm phạm các quyền của trẻ trong việc sử dụng hình phạt để giáo dục.

Để tránh được điều này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm dẫn chứng quy định của pháp luật, để giáo viên và phụ huynh lưu ý trong quá trình dạy dỗ học sinh:

Điều 27 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.

Theo Điều 4 Luật Trẻ em đã giải thích “Bạo lực trẻ em” là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em…

Nếu vi phạm những quy định trên, tùy theo mức độ, người lớn có thể bị xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn