MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo dục Việt Nam cần có những chiến lược dài hơi và những bước chuyển mình trong xây dựng chiến lược, đào tạo nhân tài và giáo dục phổ thông tổng thể (Ảnh: Huyên Nguyễn)

Trước cách mạng công nghiệp 4.0, không thể chậm chễ trong chiến lược nhân tài

Huyên Nguyễn LDO | 23/05/2017 07:52
Trước những thay đổi lớn lao chưa từng có của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục Việt Nam cần có những chiến lược dài hơi và những bước chuyển mình trong xây dựng chiến lược, đào tạo nhân tài và giáo dục phổ thông tổng thể để không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp này.

Không thể chậm chễ trong chiến lược nhân tài

Thời đại công nghệ 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hướng nếu như họ không trang bị kiến thức mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0. Chính vì vậy, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng đã đến lúc giáo dục Việt Nam cần chú trọng phát huy năng lực sáng tạo dân tộc và xây dựng chiến lược nhân tài.

GS Giang phân tích, nhiều người cho rằng trong thời đại mới chúng ta cần đầu tư cho công nghệ thông tin, tuy nhiên thực tế công nghệ thông tin chỉ là một phần rất nhỏ. Điều cần thiết là chú trọng phát huy năng lực sáng tạo dân tộc bởi vì đặc điểm của cuộc cách mạng 4.0 này là dân tộc nào càng phát huy được trí tuệ, phát huy được năng lực sáng tạo của mình thì dân tộc đó giành chiến thắng. “Chúng ta không thể kìm hãm để rồi năng lực sáng tạo không được bộc lộ và phát huy. Cạnh tranh trên thế giới tới đây sẽ là cạnh tranh sáng tạo, cạnh trạnh ý tưởng và cạnh tranh chiến thuật”, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Giang cho rằng Việt Nam cần chú trọng vào yếu tố con người. Đây là lúc không thể chậm trễ để xây dựng ngay chiến lược nhân tài. Với những người thật sự có tài năng, có năng lực sáng tạo tương đối cao như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu, không phải cứ thấy nhân tài là tìm cách “lôi” về mà phải chú trọng để phát triển tài năng của họ trên nhiều lĩnh vực, để những đóng góp của họ phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Thế nên xây dựng chiến lược nhân tài không chỉ là tìm chọn và khiên cưỡng đào tạo, mà là tạo điều kiện để người tài phát huy năng lực và làm việc thật tốt, GS Vũ Minh Giang chia sẻ.

Chương trình phổ thông tổng thể nhất định không thể "chẳng giống ai"

Muốn thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giáo dục Việt Nam buộc phải thay đổi nếu không muốn đi thụt lùi. Thế nhưng, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới dường như chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu này. GS Nguyễn Lân Dũng trăn trở: "Không thể nào có nền kinh tế 4.0 dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ lạc hậu. Nhẽ nào cuộc cách mạng vĩ đại này không liên quan gì đến công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục nước nhà mà trước mắt là việc xây dựng Chương trình? Tôi mong muốn Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ 4.0".

Trước những trăn trở đó, GS Dũng cho rằng chúng ta không cần giống như Hàn Quốc khi ban đầu dạy học hoàn toàn bằng sách giáo khoa dịch của Nhật Bản, nhưng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhất định không thể chẳng giống ai trên thế giới.

Cụ thể, GS Dũng cho rằng, 6 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi trong Dự thảo thật khó nhớ và không hiểu bằng cách nào để có thể đạt được ở từng học sinh. Theo vị GS này, chỉ cần quan trọng nhất là hiếu thảo, hiếu học, mạnh khoẻ và thành đạt. Có hiếu thảo, hiếu học mới có thể trở thành con ngoan, trò giỏi. Hiếu thảo không chỉ là yêu thương bố mẹ, ông bà, mà còn cần quý trọng thầy, cô và biết ơn những người đã hy sinh để cho mình có cuộc sống an bình hôm nay. Hiếu học là biết học cho chính mình, cho tương lai của mình và học những gì đáp ứng được cho nền công nghiệp 4.0. Về yếu tố sức khoẻ, ngoài sức khoẻ vật chất còn cần rèn luyện sức khoẻ tinh thần, nâng cao khả năng hưởng thụ âm nhạc, hội hoạ, văn chương… Thành đạt không phải ở các tấm bằng mà chính là đáp ứng được yêu cầu của xã hội, GS Dũng phân tích.

Bên cạnh đó, Dự thảo cần thay đổi về môn Giáo dục Quốc phòng cần tổ chức tập trung thành từng đợt chứ không học rải rác trong từng tuần. Về xây dựng môn Toán–Tin chiếm 200 tiết học là quá nhiều. Trong khi đó, cả 3 môn Lý-Hoá-Sinh cả chỉ có 140 tiết liệu có thoả đáng hay không? Ông Dũng cũng đề nghị chỉ nên phân bốn ban Toán Lý, Hoá Sinh, Xã hội và Quản trị Kinh doanh để chuẩn bị cho việc học tiếp hoặc rẽ ngang sang học nghề, tự tìm việc làm.

Ngoài ra, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh cần đào tạo theo hai hướng: một là, đáp ứng được cho các nhà máy, các Cty công nghiệp để họ không phải đào tạo lại và hai là, đào tạo phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn