MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn

Trước khi đổi mới thi THPT, Bộ GDĐT cần làm rõ việc ra đề, gian lận thi cử

Huyên Nguyễn LDO | 15/10/2021 09:40

Năm 2022 sẽ là năm giao thời để đổi mới toàn diện công tác tổ chức thi THPT và tuyển sinh đại học trong những năm tới. Bộ GDĐT cũng đã đưa ra những khuyến cáo mới ngay trong kỳ thi năm tới. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, trước khi thay đổi chính sách, Bộ GDĐT cần làm rõ những vấn đề còn tồn tại từ kỳ thi cũ.

Tránh đi vào "vết xe đổ"

Những năm qua, bên cạnh mặt tích cực từ kỳ thi THPT mang lại thì thẳng thắn nhìn nhận, kỳ thi THPT quốc gia và sau này là kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế.

Khi kỳ thi THPT chuyển đổi mục đích chỉ còn xét tốt nghiệp nhưng các trường đại học vẫn lấy kết quả này để xét tuyển dẫn đến nghịch lý nhiều thí sinh đạt điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 gây bức xúc.

Mới đây, tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh, tăng cường phân cấp để các địa phương chủ động hơn. Năm 2022 là một bước đi đầu, có khả năng là một năm có tính chất giao thời chuẩn bị để thực hiện đổi mới toàn diện hơn vào năm sau.

Đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học hiện nay, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT thẳng thắn chỉ rõ một số vấn đề cần giải quyết cụ thể rõ ràng.

Theo ông Vinh, Bộ GDĐT cần làm rõ việc có hay không gian lận, lỏng lẻo khi giao cho địa phương tổ chức thi, các khâu tổ chức đã được giám sát thật sự chặt chẽ hay chưa, cần có thanh tra, kiểm tra nghiêm túc. Đặc biệt, ông Vinh nhấn mạnh việc thực hiện công tác hậu kiểm.

TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh cần làm rõ những vấn đề còn lo ngại từ kỳ thi tốt nghiệp THPT để rút kinh nghiệm, tìm cách khắc phục. Ảnh: NVCC

Những năm qua, vẫn có nhiều nghi ngại trong tổ chức thi như phổ điểm bất thường, đề thi được tuồn ra ngoài trước giờ kết thúc làm bài, một trường dân tộc nội trú có 36 em đỗ đại học với 30 điểm trở lên, vụ điểm thi của chiến sĩ nghĩa vụ, đề tham khảo tương đồng đến 80% đề thi chính thức…

“Bộ GDĐT cần làm rõ những vấn đề dư luận còn băn khoăn. Trong đó, chú trọng việc ra đề thi chưa chuẩn hoá, điểm học bạ chênh với điểm thi, tổ chức coi thi chưa chặt chẽ… sau đó mới đưa ra phương án cho năm tới. Không thể vội vàng trong làm chính sách được, làm phải có nghiên cứu cụ thể”, ông Vinh bày tỏ.

Hướng tới đánh giá năng lực toàn diện

Theo ông Vinh, việc đổi mới cần có lộ trình và kế hoạch rõ ràng. Mới đây, Bộ GDĐT khuyến cáo các trường đại học chỉ sử dụng kết quả thi THPT là công cụ sàng lọc, sơ tuyển chứ không xét tuyển nhưng việc này cũng còn nhiều tranh luận. Bộ GDĐT cần làm rõ vấn đề về hệ thống khảo thí, đánh giá như thế nào, mục tiêu THPT sắp tới là gì.

Theo ông Vinh, năm 2022 là năm giao thời chính vì thế không nên có điều chỉnh lớn về mặt chủ trương, chính sách nếu chưa nghiên cứu kỹ. Ông kiến nghị đề thi năm tới cần có sự phân hoá rõ nét hơn để giúp các trường phân loại thí sinh, tạo công bằng trong xét tuyển.

Song song với việc này, các trường đại học tự chủ trong xét tuyển có thể sử dụng thêm xét học bạ là một công cụ đánh giá được toàn diện 3 năm học cấp 3, nhưng cần kết hợp thêm ứng dụng công nghệ để không có hiện tượng sửa điểm, nâng điểm học bạ phổ thông.

Về lâu dài việc xét tuyển đại học cần đánh giá tổng quát năng lực toàn diện, kiểm tra kiến thức nhiều môn như kỳ thi của Mỹ, Trung Quốc… thay vì căn cứ chủ yếu vào điểm thi 3 môn như hiện nay.

Bên cạnh đó, TS Vinh cho rằng nhà nước cần có cơ chế để khuyến khích thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, trước mắt là phát triển các trung tâm thuộc đại học quốc gia, thậm chí Bộ có thể thành lập trung tâm khảo thí của Bộ, trung tâm khảo mang tính dịch vụ công…

Ngoài ra, kỳ thi đánh giá năng lực cũng được tổ chức vài năm qua, vì thế, bản thân các đơn vị cũng cần có nghiên cứu, đánh giá, phân tích kết quả cụ thể về năng lực học tập của các thí sinh trúng tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực để có cơ sở để cải thiện kỳ thi ngày một tốt hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn