MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: USSH

Trường cấm ghi âm, ghi hình để điều chỉnh cách ứng xử của sinh viên

Chân Phúc LDO | 12/12/2023 20:43

TPHCM - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, việc quy định cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh khi chưa được phép là nhằm điều chỉnh cách ứng xử của sinh viên, viên chức, người lao động.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) - Đại học Quốc gia TPHCM công bố Bộ quy tắc ứng xử "Người nhân văn" có quy định không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức, người lao động khi chưa được sự đồng ý của người học, viên chức, người lao động.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, đây là năm đầu tiên trường đưa ra quy định này. Quy định được đưa ra dựa trên các quy định pháp luật Nhà nước nhằm bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân sinh viên, viên chức, người lao động.

Theo vị đại diện, bộ quy tắc ứng xử đưa đưa ra nhằm mục đích điều chỉnh cách ứng xử của viên chức, người lao động, người học và những người liên quan khi hoạt động tại trường học.

"Pháp luật đã có quy định cụ thể, trong đó quy định những trường hợp được phép ghi âm, ghi hình. Như việc ghi âm, ghi hình tại hội thảo, hội nghị, chương trình văn nghệ công cộng... thì diễn ra bình thường, mà không cần xin phép từng cá nhân có mặt hôm đó. Tuy nhiên, trường hợp nếu việc ghi âm, ghi hình được dùng vào mục đích gây tổn hại đến người xuất hiện trong đoạn ghi âm, ghi hình đó mà chưa được người này đồng ý là vi phạm" - vị này nói.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn luật sư TPHCM cho hay, việc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM đưa ra quy định cấm ghi âm, chụp hình khi chưa được phép là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Theo luật sư Trương Văn Tuấn, căn cứ theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì các bài giảng, bài phát biểu là đối tượng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Việc sinh viên thực hiện hoạt động ghi âm, chụp hình không xin phép giảng viên, sau đó phát tán lên các diễn đàn học thuật trực tuyến, các trang mạng xã hội có thể bị xem là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các giảng viên trong các trường đại học.

Bên cạnh đó, người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

"Đây là quy định tạo ra một hành lang pháp lý về vấn đề bảo hộ hình ảnh cá nhân, quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng của giảng viên. Tuy nhiên, không phải lúc nào sinh viên cũng có thể nắm kịp một lượng kiến thức không nhỏ và dễ rơi vào tình trạng hổng kiến thức, việc ghi âm, ghi hình sẽ giúp cho sinh viên kiểm tra lại kiến thức của mình. Do đó, thay vì không cho sinh viên ghi âm, ghi hình bài giảng khi chưa được sự đồng ý thì nên cho phép sinh viên ghi âm, ghi hình bài giảng nhưng không được phát tán trên các trang mạng xã hội, trường hợp không tuân thủ sẽ xử lý theo quy định" - luật sư Trương Văn Tuấn nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn