MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VKU bắt đầu tuyển sinh kỹ sư ngành thiết kế vi mạch từ năm 2024. Ảnh: VKU

Trường đại học đầu tư phòng Lab 10 tỉ đồng để đào tạo kỹ sư vi mạch

THÙY TRANG LDO | 04/01/2024 11:13

Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đầu tiên với chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn năm 2024 sắp tới, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, chương trình đào tạo từ 3 năm trước. Đặc biệt, một phòng Lab thiết kế vi mạch trị giá 10 tỉ đồng đã được xây dựng.

Vi mạch bán dẫn đang trở thành ngành công nghiệp tỉ USD được Chính phủ và TP Đà Nẵng quan tâm. Trong đó, ngành giáo dục đại học đã có những bước khởi động cho việc kết nối, hợp tác, liên kết đào tạo. Bởi, cơ sở vật chất để đào tạo ngành này khá tốn kém.

Riêng tại TP Đà Nẵng, cuối năm 2023 vừa qua, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã công bố tuyển sinh, đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn trên cơ sở hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, VKU là trường đại học đầu tiên tại miền Trung - Tây Nguyên đã hoàn thành thủ tục mở và tuyển sinh đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch từ cuối năm 2023.

VKU cũng đã tổ chức sự kiện công bố tuyển sinh, đào tạo cho một chương trình đào tạo này. Điều này thể hiện sự đặc biệt quan trọng của một lĩnh vực đào tạo, không phải là một ngành công nghiệp bình thường mà là ngành công nghiệp tạo nên cơ hội đột phá.

Tuy nhiên, vi mạch bán dẫn là một ngành đào tạo rất thách thức và tốn kém, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn lực và cần nhiều thời gian. Để hoàn thành được thủ tục mở ngành này, nhà trường đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất khởi động từ rất sớm.

Cụ thể, năm 2020, nhà trường đã đưa nội dung đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn trong đề xuất dự án ODA Hàn Quốc. Năm 2021, VKU tiếp tục mở các lĩnh vực như IoT, hệ thống nhúng, các học phần về thiết kế mạch điện tử, vi xử lý… Năm 2022, trường khởi công phòng Lab thiết kế vi mạch trị giá 10 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.

Phòng máy được trang bị để đào tạo ngành thiết kế vi mạch tại trường. Ảnh: VKU

Không dừng lại ở đó, sau khi công bố việc tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn, nhà trường đã ký kết hợp tác 4 đơn vị là Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Nam Long để đầu tư phòng Lab thực nghiệm và nghiên cứu công nghệ mới dự kiến tổng mức đầu tư 25 tỉ đồng cho các hạng mục đầu tư vào các lĩnh vực thiết kế vi mạch, IoT, GIS, Cloud, Robotics và 5G.

Công ty FPT Software miền Trung sẽ hợp tác cùng nhà trường trong tuyển dụng, thực tập thực tế dành cho sinh viên theo học thiết kế vi mạch bán dẫn. Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hợp tác đào tạo và nghiên cứu chương trình đào tạo kỹ sư và sau đại học về vi mạch bán dẫn. Viện Tích hợp hệ thống, Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn sẽ hợp tác khiển khai đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn.

Ngoài ra, VKU cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hiệp Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM và đang triển khai đàm phán với Công ty Synopsys để có thể ký kết trong thời gian đến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn