MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến được cải tiến theo hướng có thêm phần kiến thức lớp 10 và không giao cho các địa phương chấm thi. Ảnh: Hải Nguyễn

Trường đại học được chấm thi THPT quốc gia sẽ ngăn chặn gian lận?

Đặng Chung LDO | 30/11/2018 06:42
Phương án giao công tác chấm thi THPT quốc gia cho các trường đại học nhận được sự đồng tình. Đây được xem là giải pháp để ngăn chặn gian lận thi cử đã xảy ra tại một số địa phương gây bức xúc dư luận thời gian qua.

“Trường đại học sẽ làm vì uy tín, chất lượng của mình”

Chỉ còn 7 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ chính thức diễn ra. Tâm trạng chung của học sinh, giáo viên, phụ huynh lúc này là mong Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sớm “chốt” phương án thi để chủ động trong việc giảng dạy và ôn tập.

Một nỗi lo nữa là trước những vụ gian lận thi cử xảy ra trong thi THPT Quốc gia 2018, giải pháp nào để ngăn chặn điều này, lấy lại niềm tin cho học sinh?

Trước những lo lắng này, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) mới đây đã tiết lộ một số điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trong đó sẽ giao việc chấm bài trắc nghiệm cho các trường đại học thay vì giao cho địa phương như năm 2017, 2018.

Trước thông tin này, đại diện trường đại học bày tỏ sự đồng tình.  

“Nếu giao cho các trường đại học chủ trì thì tốt quá. Vì khi trường đại học được giao nhiệm vụ, họ sẽ làm vì chất lượng và uy tín của mình, để chọn được những người tốt nhất vào trường. Tôi tin điều này sẽ ngăn chặn được tiêu cực như đã xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018” - PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội  - chia sẻ.  

PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. 

Tuy nhiên PGS Trần Văn Tớp cảnh báo, hiện nay không nhiều trường đại học trang bị được máy chấm bài thi trắc nghiệm, ngay cả với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nếu Bộ GDĐT thành lập các cụm chấm thi ở trường đại học thì cũng phải cân nhắc, khảo sát cơ sở vật chất, khả năng của các trường để có thể “chọn mặt gửi vàng”.

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nông lâm TPHCM - cũng đồng tình với phương án nên giao cho một số trường đại học chấm thi THPT quốc gia. Có thể một trường phụ trách một cụm gồm nhiều tỉnh, thành. Còn nếu giao cho các địa phương chấm thi, kể cả tổ chức chấm chéo vẫn có thể xảy ra việc các tỉnh “bắt tay nhau” để cùng nâng điểm thi.

“Con người là quan trọng nhất”

Theo đánh giá của PGS Trần Văn Tớp, đến lúc này hướng đi của kỳ thi THPT quốc gia là ổn định, có những mặt tích cực nhưng vẫn có những hạn chế, thậm chí tiêu cực cần phải khắc phục. Ví dụ như các đối tượng đã lợi dụng việc thí sinh dùng bút chì tô đáp án để tẩy xóa và tô lại câu trả lời, nhằm nâng điểm thi. 

Để ngăn chặn điều này, ông đưa ra 2 giải pháp: "Chúng tôi gợi ý sau khi kết thúc thời gian làm bài, sẽ dành cho thí sinh khoảng 3 phút để tổng hợp lại số đáp án A, B, C, D đã chọn hoặc tô lại đáp án bằng bút mực.

Một giải pháp khác là scan bài làm của thí sinh ngay sau khi thi xong để gửi files mềm về Bộ GDĐT lưu trữ, nhằm ngăn chặn hoàn toàn gian lận sửa bài thi”.

Nhưng PGS Trần Văn Tớp cũng khẳng định, con người là quan trọng nhất, nên ngành giáo dục phải lựa chọn những con người tin cậy. Bởi nếu giải pháp kỹ thuật có tối ưu đến mấy mà con người thực hiện có chủ đích gian lận thì kỳ thi khó thành công.

Còn theo TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT), để tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo cho cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và đại học là rất khó. Tuy nhiên không phải không có cách.

Ông “hiến kế”: Trong đề thi THPT quốc gia nên có 2 phần, đề dành cho học sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT và cho thí sinh muốn thi đại học. Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học thì cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Việc coi thi, chấm thi với nhóm thí sinh này sẽ do các trường đại học chủ trì.

TS Ngọc cho rằng, nếu cải tiến theo cách này, thí sinh vẫn được thi ở địa phương mình, kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn mang tinh thần nghiêm túc, chọn được người giỏi nhất vào đại học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn