MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường đại học điều chỉnh học phí năm học 2022-2023 để hỗ trợ người học. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Trường đại học loay hoay hoàn trả tiền học phí và giữ chân nhân lực

HUYÊN NGUYỄN LDO | 11/01/2023 14:00

Vì đã thực hiện thu học phí, chi đầu tư từ đầu năm học nên đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học trước, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo công lập rơi vào hoàn cảnh loay hoay bài toán trả lại tiền học phí đã thu trước đó của sinh viên.

Vừa làm, vừa lúng túng

Trước chủ trương giữ ổn định học phí năm học 2022-2023 của Chính phủ, Trường Đại học Luật TPHCM đã thông báo điều chỉnh mức thu theo hướng giảm mạnh.

Theo đó, từ đầu năm học, trường này thông tin tăng khoảng 9%, mức học phí cao nhất có ngành lên đến 165 triệu đồng/năm. Đến nay, mức giảm nhiều nhất tới 24 triệu đồng/sinh viên.

Về hướng xử lý học phí đã tạm nộp của học sinh, sinh viên, nhà trường sẽ tiến hành tính lại toàn bộ học phí cho học viên, sinh viên theo mức thu học phí mới và cập nhật trên trang đào tạo cho sinh viên.

Ông Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho biết, trường điều chỉnh học phí năm nay về mức thu bằng năm ngoái.

Trước đó, trường này đã tăng học phí khoảng 7% với chương trình chính quy và 3,5% với chương trình chất lượng cao so với 2 năm trước.

Trong khi đó, đại diện một trường đại học công lập khác tại TPHCM cho biết, dù nhà trường đã bàn họp nhiều phiên nhưng chưa đưa ra phương án giải quyết cuối cùng.

Vị này tâm sự: “Về cơ bản các trường cũng đều tuân thủ Nghị quyết 165/NQ-CP nhưng thực sự đang tìm một số giải pháp thuyết phục bởi các trường đã lên phương án tài chính, thu học phí, chi đầu tư rồi nên sau khi chủ trương ra thì “trở tay không kịp”. Trường đang chờ hướng dẫn cụ thể hơn từ phía Bộ GDĐT và Bộ Tài chính để có thống nhất” - vị này cho hay.

Cũng theo vị này, chính sách ra đời cần tính toán sự ảnh hưởng bởi vì khi các trường tuyển sinh, đăng ký môn học phải thông báo và kèm theo đơn giá tín chỉ.

Sau khi sinh viên đã học 3-4 tháng rồi thì tiền đầu tư vào cơ sở vật chất, thù lao giảng viên… đã chi theo mức học phí mới nên bây giờ rất khó để tìm ra một khoản nào đó lấp vào.

Bài toán về giữ chân nhân lực

Chia sẻ với Lao Động, PGS-TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM - cho hay, nhà trường vừa điều chỉnh chính sách sau khi có nghị quyết mới về học phí.

Theo ông Hải, việc này buộc nhà trường phải cân đối, điều chỉnh kế hoạch, ý định đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện học tập. Điều đáng quan tâm hơn là lương cho cán bộ, giảng viên.

“Trong bối cảnh cần có chủ trương để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, ban lãnh đạo Nhà trường dự kiến đầu năm 2023 sẽ tăng lương cho cán bộ, giảng viên. Thế nhưng, trước tình hình này thì cần tính toán lại. Trường Đại học Luật TPHCM là trường trọng điểm nhưng học phí chỉ bằng 1/2, thậm chí là 1/3 các trường tư thục. Khi có nguồn thu học phí cao thì các trường tư trả lương cao hơn nên bài toán giữ nhân sự thực sự khó khăn” - ông Hải chia sẻ.

Theo lãnh đạo nhà trường, hiện có một sự cạnh tranh nhân lực chất lượng không nhỏ giữa khu vực công và khu vực tư nên phải có chính sách lương, thưởng mang tính động viên cán bộ, giảng viên.

“Thị trường càng mở rộng bao nhiêu thì việc chuyển dịch lao động càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Trách nhiệm của người quản lý cũng là giữ chân được nguồn nhân lực bằng mọi biện pháp như tạo môi trường làm việc tốt, nhân văn và có nguồn thu nhập nhất định để thầy cô an tâm ở lại” - PGS-TS Trần Hoàng Hải cho hay và tin rằng, trong năm 2023, mọi thứ sẽ ổn định hơn để các trường sớm áp dụng chính sách mới giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn