MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Trang Hà

Trường Đại học Luật Hà Nội lý giải việc lấy điểm chuẩn vượt quy định của Bộ GDĐT

Bích Hà LDO | 26/05/2023 20:05

Trường Đại học Luật Hà Nội lấy điểm chuẩn xét tuyển học bạ lên đến 30,30 điểm là vượt mốc điểm xét tuyển theo các quy định về cộng điểm ưu tiên mà Bộ GDĐT ban hành.

Ngày 26.5, Trường Đại học Luật Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển trình độ đại học theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (học bạ), và xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ của Trường Đại học Luật Hà Nội được nhà trường ban hành vào ngày 25.5. 

Theo đó, mức điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ vào Trường Đại học Luật Hà Nội dao động từ 22,43 - 30,30 điểm, đã bao gồm điểm khuyến khích, ưu tiên. Ngành Luật Kinh tế xét tuyển bằng tổ hợp A01 có mức điểm chuẩn học bạ cao nhất, với 30,30 điểm.

Có điều, đây là mức điểm vượt mốc quy định điểm chuẩn đại học năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể,  trong công văn 1919/BGĐT hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non được Bộ GDĐT ban hành ngày 28.4.2023, tại mục III (đối với các cơ sở đào tạo) có quy định rõ: Các trường cần lưu ý triển khai áp dụng quy định về điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023 cho tất cả phương thức xét tuyển theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh.

Quy chế tuyển sinh quy định: Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần để đảm bảo không còn tái diễn tình trạng điểm chuẩn vượt mốc 30 điểm như các năm trước.

Theo Bộ GDĐT, trước khi xét tuyển, các cơ sở đào tạo phải quy về thang điểm 30 (bao gồm tất cả các điểm xét) và xác định mức điểm ưu tiên để xét.

Đại diện Bộ GDĐT cũng cho biết, trường hợp xét tuyển theo thang điểm khác thang điểm 30, cơ sở đào tạo phải xác định mức điểm ưu tiên tương ứng như thang điểm 30.

Cơ sở đào tạo quy định các tiêu chí phụ đối với thí sinh có năng lực vượt trội (nếu có) phải đảm bảo điểm trúng tuyển không lớn hơn 30 điểm, bao gồm cả điểm ưu tiên, điểm thưởng (nếu có).

“Từ năm 2023, các trường cộng thêm điểm gì thì điểm, phải điều chỉnh thang điểm maximum (tối đa - PV) là 30, sẽ không có điểm chuẩn tuyển sinh quá 30 điểm”- đại diện Bộ GDĐT cho biết.

Đại diện Bộ GDĐT cũng cho rằng Trường Đại học Luật Hà Nội có ngành lấy điểm chuẩn trên 30 điểm là chưa đúng theo quy định mới về cộng điểm ưu tiên mà Bộ GDĐT ban hành.

Trường sẽ điều chỉnh giảm điểm trúng tuyển

Liên quan đến việc ban hành điểm chuẩn vượt quá ngưỡng 30 điểm, trao đổi với Lao Động, TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội - cho biết, nhà trường sẽ điều chỉnh điểm chuẩn trúng tuyển ngành Luật Kinh tế xuống dưới 30 điểm.

Tuy nhiên, một lãnh đạo của Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội, khi trao đổi với phóng viên thì cho rằng,  trong quy chế và công văn hướng dẫn của Bộ GDĐT đều nói đến cộng điểm ưu tiên, nhưng không nói đến điểm khuyến khích, nhà trường đã cộng thêm điểm khuyến khích như là tiêu chí phụ để xét tuyển.

Vị này cũng cho rằng, đáng lẽ công văn hướng dẫn của Bộ GDĐT phải nêu rõ về cả hai yếu tố khống chế về đối tượng ưu tiên và đối tượng khu vực ưu tiên khi cộng với điểm gốc (điểm học bạ và thi tốt nghiệp của thí sinh) là không quá 30. Ngoài ra, công văn cần có thêm quy định các cơ sở đào tạo ngoài xét trên điểm tối đa, thì hoàn toàn có thể xác định các điểm khác trở thành tiêu chí phụ để xét tuyển nếu số lượng thí sinh vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh... thì các cơ sở đào tạo sẽ dễ dàng thực hiện.

Những mùa tuyển sinh trước, nhiều thí sinh bị “choáng” khi điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng, xuất hiện nhiều ngành có mức điểm chuẩn vượt trần, trên 30 điểm/3 môn.

Có điều này là do cơ chế cộng điểm ưu tiên (điểm ưu tiên khu vực, đối tượng, điểm khuyến khích). Nhiều thí sinh sau khi cộng các điểm này vào, đã có tổng điểm xét tuyển trên 30 điểm. Thí sinh có điểm cao nhưng vẫn có thể trượt do không có nhiều điểm ưu tiên.

Để khắc phục điều này, từ năm 2023, Bộ GDĐT quy định, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30)  sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn. Đảm bảo không còn tái diễn tình trạng điểm chuẩn vượt ngưỡng 30 điểm.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn