MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trường đại học top đầu tuyển sinh không phụ thuộc điểm thi tốt nghiệp THPT

Tường Vân LDO | 06/01/2022 12:46
Nhiều trường đại học đã thông tin về phương án tuyển sinh 2022. Theo đó, xu hướng các trường giảm dần chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.

Giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Năm 2022, Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ tuyển sinh tổng 6.100 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển dựa trên phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 80 - 85%.

Đặc biệt, năm 2022 chỉ tiêu của trường dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp nhất từ trước đến nay, chỉ còn 10-15%. Trong khi những năm trước, chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này đạt 50% - 70%. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT dự kiến là 20 điểm bao gồm cả điểm ưu tiên.

Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2022 của Trường Đại học Bách khoa là 7.500 thí sinh. Trong đó, trường dành khoảng 20-30% số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, 60-70% chỉ tiêu xét tuyển dưa vào kết quả thi đánh giá tư duy và chỉ còn khoảng 10-20% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng chỉ dành 30-60% chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, tăng chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM lên 40-60% tổng chỉ tiêu của trường.

Ngoài việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, một số cơ sở giáo dục đại học cũng đã bổ sung các tiêu chí về hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu, phỏng vấn…để tuyển sinh cho năm 2022.

Xu hướng các trường đại học mở thêm nhiều ngành mới

Một điểm nổi bật trong đề án tuyển sinh của các trường đại học năm nay là xu hướng mở thêm các ngành đào tạo mới.

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 để giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo, mở thêm nhiều ngành học mới.

Trường cũng đang và dự kiến đào tạo các ngành học mới như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số. Các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỉ lệ lớn trong thời gian tới.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giúp giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo, tránh nguy cơ đầu tư dàn trải, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực.

Việc quy hoạch này cũng giúp trường tìm tòi, phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm, độc đáo, tiên phong hơn trong thời gian tới.

Hàng loạt cơ sở giáo dục đại học khác như: Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Công nghệ TP HCM, Trường Đại học Kinh tế- Tài chính TP HCM, Trường Đại học Gia Định, Đại học Hoa Sen,.. cho biết các trường tuyển hàng ngàn chỉ tiêu, mở nhiều ngành mới hấp dẫn.

Theo đại diện các nhà trường, những ngành mới mở đều là các ngành có nhu cầu xã hội cao, đồng thời yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng. Đây là những ngành nghề mà hiện nay được xã hội quan tâm, cũng như định hướng phát triển của nhà trường. 

Trong phương án thi tốt nghiệp THPT 2022 được công bố hồi đầu tháng 10 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn