MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên Trường THPT Linh Trung (TPHCM) tư vấn môn học lựa chọn lớp 10 cho học sinh, phụ huynh. Ảnh: Chân Phúc

Trường ĐH đổi mới tuyển sinh, nên chọn môn học thế nào để không lỗi thời

Bích Hà LDO | 03/08/2022 21:31

Năm 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 10 trên cả nước sẽ bắt đầu học theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn môn học ngay từ lớp 10. Điều đó buộc học sinh phải xác định được ngành nghề yêu thích để đưa ra lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Chọn học theo các khối A, B, C, D đã trở nên lạc hậu

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông.  Theo đó, học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ học 8 môn bắt buộc và bỏ việc chia nhóm môn như trước đó. Học sinh sẽ chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Những thay đổi này được đưa ra ngay trước thềm năm học mới.

Theo một khảo sát mới đây của Hệ thống Giáo dục HOCMAI trên tổng số hơn 500 học sinh lớp 9 sắp lên lớp 10 và phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào bậc học THPT, kết quả cho thấy có 84,2% người trả lời còn nhiều điều chưa hiểu rõ về chương trình; 70% còn phân vân với việc lựa môn học. Nhiều phụ huynh/học sinh cũng chưa hiểu rõ về việc lựa chọn những nhóm/ môn học sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nghề nghiệp của con em/bản thân trong tương lai.

Chia sẻ tại chương trình tư vấn “Cùng 2k7 tự tin chinh phục chương trình giáo dục phổ thông mới”,  thầy Đinh Đức Hiền – Giáo viên môn Sinh học của Hệ thống Giáo dục HOCMAI – đã đưa ra lời khuyên cho học sinh, nhất là những em sắp vào lớp 10 về cách chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Theo thầy Hiền, việc định hướng nghề nghiệp hiện nay thường chưa được quan tâm đúng mức, thường là khi bước vào giai đoạn cuối cấp (lớp 12) học sinh và phụ huynh mới chú trọng. Còn khi vào lớp 10 vẫn chọn học các khối truyền thống (khối A, B, C, D).

 “Nhưng hiện nay đã khác, từ năm học tới sẽ thực hiện chương trình phổ thông mới theo định hướng nghề nghiệp. Việc lựa chọn môn học sẽ phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp được thay đổi như thế nào và các trường đại học sẽ sử dụng những tổ hợp gì, hình thức gì để tuyển sinh vào đại học. Và ngay từ khi vào lớp 10, phụ huynh đã phải tìm hiểu ngành nghề con mình định hướng tới và trường con mình định hướng tới sẽ tuyển sinh như thế nào để đưa ra lựa chọn môn học đúng đắn”- thầy Hiền phân tích. 

Các khách mời chia sẻ trong chương trình tư vấn miễn phí cho học sinh và phụ huynh về cách lựa chọn môn học khi vào lớp 10. Chương trình do Hệ thống Giáo dục Hocmai tổ chức.  

Thầy Hiền cũng nhấn mạnh, hiện việc chọn học theo các khối A, B, C hay D đã dần trở nên lạc hậu vì các trường đại học đã có rất nhiều đổi mới trong tuyển sinh.

Ví dụ Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến năm sau sẽ không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, Đánh giá năng lực hoặc Đánh giá tư duy. Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay cũng tích hợp kiến thức của hầu hết tất cả các môn. Do vậy, việc chọn các khối A, B, C hay D đơn thuần sẽ không đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh về sau.

Tăng trải nghiệm để giúp học sinh định hướng nghề nghiệp

Trước những yêu cầu của thực tế, thầy Đinh Đức Hiền đưa ra lời khuyên cho các em học sinh năm nay sẽ bước vào lớp 10. Theo thầy, để lựa chọn được môn học một cách đúng đắn, trước hết các em học sinh cần định hướng rõ ràng là bản thân thích ngành nghề nào.

Muốn xác định thích ngành nghề nào thì phải có trải nghiệm. Các nhà trường và phụ huynh phải giúp học sinh có được điều này.

Thầy Đinh Đức Hiền cũng lưu ý rằng, vào lớp 10, học sinh lựa chọn học các môn xã hội, nếu sau này quay sang học các môn khoa học tự nhiên như Lý – Hóa – Sinh sẽ rất vất vả. Vì thế, ngay khi vào lớp 10, học sinh phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra lựa chọn.

Sau khi xác định được nghề nghiệp yêu thích, học sinh sẽ tìm hiểu xem những trường đại học nào đào tạo những ngành nghề trên. Và cuối cùng là xem trường đó xét tuyển bằng những phương thức gì để lựa chọn môn học, khối học cho hợp lý. Đây là logic chọn ngành nghề phù hợp với tinh thần của chương trình GDPT mới hiện nay.

Đồng quan điểm, cô Đỗ Khánh Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường Hermann Gmeiner Hà Nội – cho rằng, định hướng nghề nghiệp là định hướng lâu dài, ngoài việc tăng cường hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong các nhà trường thì cần đưa học sinh đến trải nghiệm tại các trường đại học, hay doanh nghiệp để các em hiểu về công việc, ngành nghề. Điều này giúp các em có hình dụng, lựa chọn được ngành nghề phù hợp và mình yêu thích nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn