MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy và trò chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: C.Nguyễn

Trường học miền núi Quảng Bình còn nhiều khó khăn trước năm học mới

CÔNG SÁNG LDO | 27/08/2024 07:30

Cùng nhau khắc phục những khó khăn, thầy, cô giáo các trường, điểm trường trên địa bàn huyện miền núi tỉnh Quảng Bình đã sẵn sàng đón năm học mới.

Khó khăn vẫn còn đó

Những ngày tháng 8, các thầy cô giáo Trường Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) đến kiểm tra lại tình hình các lớp, vệ sinh dọn dẹp, sửa sang vật dụng dạy học cũng như trồng thêm cây xanh trong khuôn viên trường.

Trường TH và THCS Thượng Hóa đóng tại bản Yên Hợp, có 2 điểm trường tại bản Ón và bản Mò O Ồ Ồ. Năm học 2024 - 2025, trường có 14 lớp với 161 học sinh, các em đều là người Rục, người Sách thuộc dân tộc Chứt.

Bước vào năm học mới, trường vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, mặc dù nhà trường đã tranh thủ sửa lại trong khả năng.

Thầy Phan Thế Dũng - Hiệu trưởng trường TH và THCS Thượng Hóa - cho biết: “Nhà trường đang rất cần đầu tư xây dựng các phòng chức năng; tu sửa các phòng học xuống cấp; xây kè chống sạt lở và sân học thể dục phía sau điểm chính Yên Hợp. Đồng thời, xây dựng hàng rào cho điểm trường Mò O Ồ Ồ nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh và toàn thể nhà trường”.

Các trường học vẫn còn khó khăn nhưng sẵn sàng khắc phục để bước vào năm học mới. Ảnh: C.Nguyễn

Tại Trường Mầm non Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), công tác vệ sinh lớp học, sửa điện nước và một số cơ sở vật chất đã hoàn thành để kịp ngày tựu trường. Tuy nhiên, trường cũng đang gặp khó khăn khi điểm trường Khe Cát đang có chủ trương mở bán trú nhưng chưa có bếp và cô nuôi.

Cũng vì lý do này mà nhiều năm nay, điểm trường chưa thể mở bán trú. Đồng thời, điểm trường nằm sâu trong bản, tình hình đời sống bà con rất khó khăn, nếu có cô nuôi cũng không thể vận động phụ huynh đóng góp kinh phí để trả lương.

“Hiện nhà trường đã có đề xuất lên UBND xã về việc hỗ trợ xây bếp và trả lương cho cô nuôi” - cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Sơn, chia sẻ.

Ưu tiên công tác dạy học

Cũng còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng mọi công tác chuẩn bị tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Dân Hóa (huyện Minh Hóa) cũng sẵn sàng. Năm học này trường có 27 lớp với 600 học sinh. Ngoài điểm trường chính, cấp TH còn có 4 điểm trường gồm: Ba Loóc, Hà Nôông - Tà Rà, Ka Định và Tà Leng.

Đa số người dân nơi đây còn khó khăn, sống chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước, học sinh có nguy cơ bỏ học cao. Cán bộ giáo viên nhà trường đã thường xuyên đi tới tận nhà để vận động học sinh và đón các em đến lớp.

Tại điểm trường Ba Loóc, những ngày qua, các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đã cùng nhau vệ sinh khuôn viên trường, trang trí lớp học, làm hàng rào bằng tre nứa xung quanh điểm trường.

Dạy chữ cho các em chuẩn bị vào lớp 1. Ảnh: C.Nguyễn

Thầy Đinh Văn Cường - phụ trách điểm trường Ba Loóc - bộc bạch: Giáo viên ở đây nắm rõ từng hoàn cảnh gia đình các em và luôn vận động, khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện cho con em được đến trường để học tập. Phương pháp dạy học của chúng tôi cũng luôn đổi mới phù hợp để hấp dẫn các em.

Còn các giáo viên Trường TH và THCS Thượng Hóa tranh thủ những ngày cuối hè kèm cặp thêm các em theo chương trình dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước thềm năm học mới.

Đa số học sinh của trường là người đồng bào dân tộc thiểu số, các em còn rụt rè, đặc biệt là việc sử dụng tiếng Việt còn nhiều hạn chế. Đây sẽ là rào cản rất lớn, ảnh hưởng đến việc dạy và học, nhất là những em bắt đầu bước vào lớp 1.

Cô Đinh Thị Thu Hằng - giáo viên - chia sẻ: “Thầy cô giáo phải luôn gần gũi, động viên để các em có tâm lý thoải mái đến trường. Chỉ cần học sinh có mặt ở lớp, thiếu thốn mấy chúng tôi cũng có thể dạy học được”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn