MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường học tại Hà Nội đón học sinh khối 12 đến trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: Tường Vân.

Trường học tại Hà Nội liên tục đóng - mở ảnh hưởng đến tâm lý thầy trò?

Tường Vân LDO | 05/01/2022 17:11

Nhiều ý kiến cho rằng, việc trường học tại Hà Nội liên tục đóng, mở do thay đổi cấp độ dịch ít nhiều gây ảnh hưởng tới tâm lý giáo viên và học sinh.

Còn nhiều băn khoăn, lo lắng

Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, từ 4.1, học sinh lớp 9 và lớp 12 tại 10 đơn vị cấp quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có mức độ dịch cấp độ 3 chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến. Riêng quận Đống Đa, sau 3 tuần liên tục ở cấp độ 3, mức độ dịch trên địa bàn quận đã xuống cấp độ 2, học sinh được trở lại trường sau dịp nghỉ Tết Dương lịch.

Như vậy, chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn, các trường THPT tại quận Đống Đa liên tục đóng cửa rồi lại mở cửa trường học, khiến không ít học sinh, phụ huynh lo lắng.

Em Lê Minh Khuê, học sinh lớp 12D1 – Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa) thừa nhận, việc liên tục thay đổi lịch học trực tuyến và trực tiếp khiến em có phần băn khoăn, lo lắng, nhất là trong giai đoạn em và các bạn cùng trang lứa gấp rút ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

“Em hy vọng học kỳ 2 này, học sinh chúng em có cơ hội đến trường học trực tiếp, không có những khoảng thời gian phải nghỉ gián đoạn giữa chừng để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT” – Minh Khuê chia sẻ.

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội) cho rằng, việc thay đổi trạng thái online và trực tiếp liên tục chắc chắn sẽ gây tâm lý bất ổn, đồng thời xáo trộn phương pháp dạy và học cho cả giáo viên và học sinh.

“Hà Nội với đặc thù đông dân cư, giao lưu kinh tế, xã hội rộng, người dân không bó hẹp trong phạm vi 1 quận nào đó, nên có thực trạng dịch tại 1 quận nào đó thay đổi mức độ chỉ trong thời gian ngắn. Mặt khác học sinh cũng vốn không phải chỉ ở 1 quận, có thể từ khác quận khác đến với cấp độ dịch khác nhau. Vậy nên, nếu việc học cũng chạy theo mức độ dịch như vậy là điều không hề hợp lý.

Ngành giáo dục thủ đô cần phải thay đổi phương pháp tiếp cận như TPHCM đang làm, nếu không thì sẽ không thể đưa học sinh các khối lớp quay lại trường học” – thầy Hiền nói.

Theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội, những học sinh ở khu vực phường có cấp độ dịch cấp 3 sẽ không đến trường và học online tại nhà. Do đó, số học sinh đến trường học trực tiếp ít hơn hẳn. Mặc dù vậy, các trường học vẫn tổ chức dạy học bình thường để đảm bảo quyền lợi cho các em.

"Ngoài dạy trực tiếp, nhà trường bố trí hệ thống camera, đường truyền mạng để các em học online ở nhà theo thời khóa biểu trên lớp. Như vậy, vừa bảo quyền lợi cho các em và việc dạy học được thực hiện theo đúng tiến độ chương trình” – bà Đinh Thị Thu Trang – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang trung (Đống Đa) chia sẻ.

Không e dè mở cửa trường học

Đánh giá về việc tổ chức dạy học trong bối cảnh dịch bệnh của Sở GDĐT Hà Nội, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam cho rằng, giải pháp từng bước đưa học sinh đến trường học trực tiếp của Hà Nội là hợp lý. Tuy nhiên, cách làm còn bị động, chưa hợp lý.

Theo ông Khuyến, trong điều kiện dịch bệnh, việc chuyển đổi phương thức dạy học giữa trực tiếp và trực tuyến phải linh hoạt, nhanh chóng, tùy theo cấp độ dịch. Nếu chuyển đổi chậm chạp sẽ ảnh hưởng tâm lý, chất lượng học tập của học sinh.

"Dịch bệnh ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực, không riêng ngành giáo dục. Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận đối phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh. 

Việc dạy học không nên bó hẹp ở việc dạy học trực tiếp hay trực tuyến mà cần có sự kết hợp linh hoạt, mềm dẻo. Dạy học trực tiếp hay trực tuyến khác nhau về phương thức dạy nhưng không có nghĩa là ngừng học. Thế nên, chương trình học phải nhất quán và cần kế hoạch sẵn sàng. Không riêng Sở GDĐT Hà Nội, Bộ GDĐT cần có chỉ đạo, nhất quán chương trình dạy học” – TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Dưới góc nhìn của chuyên gia y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, việc mở cửa đón học sinh cần thực hiện linh động theo tình hình thực tế. 

"Dù 1 quận được đánh giá mức độ dịch cấp độ 3 nhưng không phải tất cả phường, xã thuộc quận đều ở mức nguy cơ cao của dịch bệnh. 

Trường học thuộc khu vực phường, phố thuộc vùng an toàn vẫn có thể tổ chức đón học sinh đến trường với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định an toàn khi đón học sinh do Bộ GDĐT" - ông Phu nói. 

Bên cạnh đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng, phía các nhà trường không nên quá hoảng loạn, bối rối trong cách xử lí F0 trong trường học. Tránh tình trạng chỉ xuất hiện 1,2 ca F0 mà phong tỏa, đóng cửa toàn bộ trường học gây tâm lí hoang mang cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn