MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Lương Thế Vinh.

Trường Lương Thế Vinh: Chưa trả tiền "giữ chỗ" vì... chờ họp hội đồng quản trị

HUYÊN NGUYỄN LDO | 13/07/2018 09:39

Phản ánh tới Báo Lao Động, một số phụ huynh cho biết Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) vẫn chưa trả lại khoản tiền 6 triệu đồng đã nộp khi làm hồ sơ nhập học cho con, mặc dù Sở GDĐT Hà Nội đã có chỉ đạo.

Chưa trả vì... chưa họp

Sau khi  Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo tất cả các trường ngoài công lập phải trả lại tiền đã thu sai quy định trước đó của phụ huynh, ngày 12.7, một số phụ huynh đã đến Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh để nhận lại khoản tiền đã nộp, nhưng vẫn bị từ chối.

Bức xúc về vấn đề này, một phụ huynh chia sẻ: “Sau khi đọc được thông tin trên báo, tôi đã nhiều lần đến trường để xin lại số tiền nhưng qua vài lần, đến nay vẫn chưa lấy lại được. Đại diện nhà  trường vẫn kiên quyết trả lời sẽ không trả lại tiền đã nộp”.

Sáng 13.7, bà Văn Liên Na – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi chưa thể trả lại tiền cho phụ huynh bởi Hội đồng quản trị (HĐQT) nhà trường chưa họp để đưa ra quyết định nên Ban tuyển sinh chưa thể thực hiện. Sau khi có quyết định từ HĐQT, chúng tôi sẽ thông báo đến phụ huynh”.

Trả lời chất vấn của PV về việc Sở GDĐT mới đây cho biết trường đã đồng ý trả lại tiền cho phụ huynh, tại sao họ vẫn bị “làm khó”, phải chờ đợi, bà Văn Liên Na cho biết: “Sau khi Hiệu trưởng nhà trường lên họp với Sở GDĐT lĩnh hội ý kiến của Sở, Chủ tịch HĐQT nhà trường đã báo cáo Phó Giám đốc Sở Phạm Văn Đại là sẽ tổ chức họp HĐQT về vấn đề này và thông tin sớm nhất. HĐQT chưa họp nên ban tuyển sinh vẫn đang chờ kết quả”.

Phụ huynh đến Trường Lương Thế Vinh sáng 6.7. Ảnh: Lam Khê/Vietnamnet

Trước đó, ngày 3.7, Sở GDĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có nguyện vọng rút hồ sơ và hoàn trả lại toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút.

Trao đổi với báo chí ngày 6.7, bà Văn Thuỳ Dương – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: sau khi nhận được văn bản của Sở GDĐT Hà Nội, nhà trường tổ chức họp HĐQT để đưa ra quyết định xử lý liên quan yêu cầu trong công văn. HĐQT thống nhất, trường chỉ trả lại kinh phí những trường hợp xin rút từ ngày 3.7 trở đi, bao gồm tiền đồng phục, tiền vở, tiền sách các con không dùng và mang đến, nhà trường sẽ trả. Tổng của số tiền các khoản này khoảng 2 triệu đồng. Số tiền còn lại, nhà trường vẫn giữ vì ngay từ đầu đã quy định như vậy và đưa vào Quỹ khuyến học.

Tuy nhiên, theo nhà trường, đến ngày 6.7, nhiều phụ huynh đã đến trường "làm ầm lên”, đòi lại tiền. Việc trả lại tiền gây lộn xộn, vì vậy Hội đồng nhà trường quyết định không trả lại bất cứ khoản tiền nào, làm theo thỏa thuận ban đầu.

Các khoản thu tại Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh.

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội ngày 11.7, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lê Ngọc Quang cho biết, đến nay, hầu hết các trường đã trả lại các khoản phí thu trước đó như Marie Curie, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Tạ Quang Bửu…

“Trường Lương Thế Vinh cũng đã cam kết sẽ trả lại. Thời gian qua, phụ huynh đã rất bức xúc, tôi khẳng định, đến thời điểm này, mọi người có thể yên tâm”, ông Quang nhấn mạnh.

Có thể khởi kiện nếu trường "giam" "phí giữ chỗ"

Đó là ý kiến của luật sư Trần Thu Nam – Đoàn Luật sư Hà Nội. Theo luật sư Nam, nếu nhà trường cương quyết không trả lại "phí giữ chỗ" theo chỉ đạo của cơ quan quản lý, phụ huynh hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi.

“Vấn đề này cần phải được giải quyết sớm bằng chỉ đạo chỉ ngành giáo dục, của UBND TP Hà Nội. Trong trường hợp, nhà trường vẫn không chịu trả lại tiền cho phụ huỳnh thì phụ huynh hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà trường để yêu cầu trả lại tiền, theo quy định của Luật Dân sự. Căn cứ để khởi kiện là việc nhà trường đã thu khoản phí không đúng quy định của pháp luật. “Các phụ huynh có thể ủy quyền cho một người hoặc cho một luật sư để tiến hành khởi kiện 1 vụ án hoặc nhiều vụ án”, LS Nam nói.

Ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng bày tỏ: “Các trường ngoài công lập được phép tự chủ, nhưng tự chủ trong giáo dục thì phải đạt được mục tiêu của giáo dục. Quan trọng nhất là cung cấp tri thức và giáo dục nhân cách. Các em sẽ nghĩ gì khi chúng ta luôn nhắc nhở các em về lòng bao dung, về nhân ái. Và nếu cứ theo đà này, chúng ta đặt kinh tế thị trường của việc mua bán vào trong nhà trường thì rất khó khơi dậy, giáo dục về nhân cách trong học sinh", ông Lê Ngọc Quang nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn