MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Lương Thế Vinh quyết không trả lại tiền cho phụ huynh, mặc chỉ đạo của Sở GDĐT Hà Nội. Ảnh: VOV

Trường Lương Thế Vinh không trả 6 triệu đồng phí nhập học: Môi trường giáo dục, chứ có phải cái chợ đâu!

An Bình LDO | 08/07/2018 08:52
Lãnh đạo Trường Lương Thế Vinh và nhiều trường ngoài công lập khác vẫn giữ quan điểm sẽ không trả lại tiền phí nhập học khi học sinh rút hồ sơ, mặc lệnh chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội. Còn phụ huynh vì bức xúc với cách làm của trường đã lập hội nhóm “Đòi tiền trường ngoài công lập”.

Môi trường giáo dục với kiểu “cò kè bớt một thêm hai”, mỗi nơi có một luật chơi riêng, ràng buộc, mặc cả với nhau như mua một món hàng – con trẻ sẽ học được gì từ những cách hành xử thiếu nhân văn này?

“Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là không trả lại tiền. Trường đã có thông báo từ trước và phụ huynh đều biết việc này trước khi nộp hồ sơ. Vì thế theo thỏa thuận dân sự, trường không có trách nhiệm phải hoàn trả tiền" – đây là khẳng định của Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) trước sự việc phụ huynh chầu chực ở cổng trường để mong lấy lại số tiền 6 triệu đồng đã đóng.

Các trường khác cũng học theo cách làm của Trường Lương Thế Vinh, quyết không trả tiền “phí giữ chỗ”, "phí ghi danh" cho những phụ huynh đã rút hồ sơ và lý luận theo kiểu “bút sa gà chết”, phải chấp nhận luật chơi của trường.

Trước sự việc này, chị Thu Hà (một phụ huynh ở Hà Nội) đã gửi ý kiến đến Lao Động, cho rằng chính Trường Lương Thế Vinh cũng không thực hiện đúng thông báo tuyển sinh ban đầu, mà thay đổi theo hướng bất lợi cho phụ huynh.

Phụ huynh "tố"  Trường Lương Thế Vinh không thực hiện đúng việc tuyển sinh như thông báo ban đầu.

“Ngày 24.4.2018, trên website nhà trường ghi rõ: Nhà trường sẽ công bố điểm chuẩn cùng thời điểm với các trường công lập trên địa bàn thành phố. Ngày tuyển sinh và nhập học: Dự kiến bắt đầu từ ngày 1.7.2018 đến khi thu đủ chỉ tiêu. Nhưng Trường Lương Thế Vinh đã không thực hiện như vậy mà thay đổi lịch, thu hồ sơ từ tháng 6, khi các trường công lập chưa có điểm chuẩn. Điều này đã ép phụ huynh học sinh phải đóng khoản tiền hơn 6 triệu đồng lúc nộp hồ sơ.

Trường Lương Thế Vinh chỉ có thể giữ lại phí tuyển sinh thôi, các khoản khác nên trả lại cho phụ huynh. Nếu trường thực hiện đúng cam kết trên thông báo tuyển sinh thì không xảy ra hiện tượng rút hồ sơ và bức xúc của phụ huynh học sinh như vậy”- chị Thu Hà chia sẻ ý kiến.

Bình luận về điều này, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội – cho rằng, các trường ngoài công lập không thể vận dụng cơ chế tự chủ Nhà nước cho mà muốn làm gì thì làm! Môi trường giáo dục rất cần sự nhân văn chứ không phải như mua bán dạng hàng cá, hàng tôm ở chợ được.

“Trường có thể thỏa thuận với phụ huynh về các khoản đóng góp nhưng đấy phải được hiểu con em họ đã là học sinh của nhà trường. Còn trường hợp này, nhà trường yêu cầu phải đóng tiền thì mới được nhận hồ sơ nhập học, đây là tự nguyện kiểu bị ép buộc. Nếu hỏi ra chắc chẳng ai muốn tự nguyện kiểu này.

Nếu con em họ không học thì phải trả lại cho họ tiền đồng phục, xây dựng; tiền sách vở, có chăng trường chỉ có thể lấy khoản gọi là lệ phí tuyển sinh thôi”- luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ.

Với trường hợp như Trường Tạ Quang Bửu, Trường Nguyễn Siêu… đưa ra các mức phí ghi danh, phí giữ chỗ từ 2-10 triệu đồng, muốn nộp hồ sơ nhập học thì phải đóng những khoản phí này, nếu rút hồ sơ sẽ không được hoàn trả, luật sư Bùi Đình Ứng khẳng định các loại phí này là do các trường tự nghĩ ra và trái với Luật Giáo dục.

Nếu căn cứ theo Luật Doanh nghiệp, hay Bộ luật Dân sự mà các trường đang viện dẫn để tự đặt “luật chơi” riêng của mình, thì khoản tiền mà phụ huynh phải đóng khi nộp hồ sơ phải gọi là “tiền đặt cọc”, phải có hợp đồng đặt cọc; còn việc tự đặt ra và gọi khoản tiền đó là “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh” là không đúng. Khi đã không đúng thì phải trả lại phụ huynh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn