MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đều phải tuân thủ những nội quy nghiêm ngặt của nhà trường. Ảnh: Kênh 14

Trường Lương Thế Vinh nên thay đổi việc kỷ luật học sinh theo hướng tích cực hơn

Bích Hà LDO | 04/10/2017 11:00
Việc giáo dục học trò bằng cách dùng hình phạt, kỷ luật, đánh vào nỗi sợ hãi của chúng không phải là một phương pháp giáo dục tối ưu và không nên khuyến khích.

Cần tôn trọng quyền trẻ em!

Mới đầu năm học đã xảy ra những câu chuyện buồn về việc đổ vỡ niềm tin, bất đồng quan điểm trong cách giáo dục giữa phụ huynh với nhà trường. 

Trong câu chuyện của Trường Lương Thế Vinh, khi việc phụ huynh “tố” nhà trường xảy ra, đứa trẻ là người chịu thiệt thòi và tổn thương nhất. Trong khi Luật Trẻ em 2016 đã quy định rất rõ, kể cả cha mẹ, nhà trường, khi đưa ra một quyết định nào đó liên quan đến cá nhân trẻ, đều phải hỏi ý kiến của chúng (nếu các em đã lên 7 tuổi).

Liệu phụ huynh đã lắng nghe ý kiến của con chưa hay chỉ vì bất đồng quan điểm, bức xúc với nhà trường mà làm việc đó? Còn phía trường, khi đưa ra nội quy, liên quan trực tiếp đến quyền của trẻ em, đã thực sự lắng nghe nguyện vọng và cho trẻ được bàn luận công khai, dân chủ chưa, hay cho mình quyền áp từ trên xuống?

“Luật Trẻ em 2016 đã quy định trẻ em được tham gia tất cả các vấn đề liên quan đến trẻ em. Rõ ràng kỷ luật, đề ra hình phạt nào đó phải có ý kiến tham gia của trẻ, nhà trường không được tự động đặt ra, hay áp đặt nội quy theo ý chí chủ quan của mình” - thạc sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nêu quan điểm.

Nếu chưa phù hợp, trường cần điều chỉnh

Theo TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền), một loạt vấn đề nóng liên quan đến giáo dục thời gian qua đều thể hiện việc phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục một con người chưa được thực hiện tốt.

“Mấy chục năm đứng trên bục giảng, tôi rút ra kinh nghiệm, giáo viên cần “vừa cương vừa nhu” với học trò. Kỷ luật cũng phải có tính giáo dục, chứ đừng theo kiểu trừng phạt, khiến học sinh sợ hãi” – TS Hồng chia sẻ.

“Phụ huynh nên nhớ, mỗi trường sẽ có phương châm giáo dục riêng, nhất là Lương Thế Vinh lại là một trường tư, nên trước khi bố mẹ cho con vào học cần tìm hiểu kỹ nội quy. Nếu thấy nó quá hà khắc thì có quyền không lựa chọn” - TS Hồng chia sẻ.

Tuy nhiên, TS Hồng cho biết, bà không đồng tình với cách phạt học sinh đi lao động công ích trong suốt tiết học, nếu chỉ vì em đi muộn 5 phút của Trường THPT Lương Thế Vinh: “Đây chưa phải là cách kỷ luật theo hướng tích cực. Vì để học trò mất một tiết học, bị hụt kiến thức, sẽ rất thiệt thòi cho chúng. Lao động công ích là tốt, nhưng tôi nghĩ nên phạt vào một thời gian khác.

Thầy cô cũng nên đặt mình vào vị trí của các bậc cha mẹ, để xem nếu chúng ta ứng xử cứng nhắc thì điều đó có ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ con và làm cho bố mẹ chúng lo lắng hay không. Vì chân lý, chỉ cần chệch đi một ly thôi, cũng sẽ gây nên những phản cảm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn