MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: T.L - HẢI NGUYỄN

Trường nghề vật vã tuyển sinh

Quỳnh Chi LDO | 15/11/2017 14:00
Có thời điểm, việc tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp nghề rất dễ dàng, nhộn nhịp. Năm nay, mùa khai giảng đã kết thúc khá lâu nhưng tỉ lệ tuyển sinh chung của các trường này chỉ đạt hơn 50%.

Cụ thể, so với kế hoạch tuyển sinh năm 2017 đề ra là 540.000 người; đến hết tháng 9 các trường mới tuyển được 281.355 người. Bên cạnh một số trường tuyển được đủ chỉ tiêu, còn không ít trường, đặc biệt là trường trung cấp gặp vô vàn khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Chỉ còn cái… tên

Khoảng chục năm trước, sau mùa khai giảng của các trường đại học, nhóm trường cao đẳng, trung cấp nghề lại nhộn nhịp “vét” số học sinh còn lại. Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, càng những năm gần đây, con số các trường nghề từ khó tuyển sinh đến lay lắt, thậm chí cửa đóng then cài càng nhiều thêm. Phía sau mỗi biển tên trường, cơ sở vật chất hoành tráng ngày nào ngày một xuống cấp, học sinh bỏ học giữa chừng, giáo viên nhấp nhổm tìm kế mưu sinh.

Cơ sở vật chất khang trang, vị trí thuận lợi nhưng mấy năm nay, Trường Cao đẳng Duyên Hải (Hải Phòng) rất khó tuyển sinh.

Ở nhiều địa phương, thời “vàng son”, các trường cao đẳng, trung cấp nghề lên tới hàng chục. Cấp tỉnh, cấp huyện đều có thể “sở hữu” trường nghề. Nhà trường vẫn tuyển sinh và học sinh nhập học vẫn tăng đều đặn. Đến nay, nhiều trường, ngoài biển tên, không còn bất cứ hoạt động gì của công tác dạy, học.

Năm 2012, Trường Trung cấp Nghề Quảng Xương (Thanh Hóa) tuyển được 38 học sinh diện vừa học nghề hàn vừa học bổ túc văn hóa; năm 2013, trường tuyển được hơn 30 học sinh; năm 2014, 33 học sinh nhập học. Điều đáng nói là, với mấy chục học sinh đầu vào, đến khi đếm lại đầu ra có khi không nổi vài em. Cũng ở Thanh Hóa, Trường Trung cấp Nghề số 1 TP.Thanh Hóa dù có cơ sở vật chất khá khang trang nhưng năm 2014 trường chỉ tuyển được hơn 300 học sinh. Với ngành cắt may sơ cấp, vẫn còn học sinh nhập học, các ngành một thời sôi nổi như hàn, sửa chữa điện lạnh, điện dân dụng không tuyển được học sinh nào. Tính đến cuối tháng 10.2017, Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn mới tuyển được hơn 1.600 học sinh hệ trung cấp. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 2.000 người. Do số lượng tuyển sinh giảm đáng kể, nhà trường sẽ phải tiếp tục tuyển sinh đến hết năm.

Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH), kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong năm 2017 là 2,2 triệu người. Trong đó, tuyển sinh trung cấp và cao đẳng là 540.000 người; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 1,66 triệu người. Kết quả, hết tháng 9.2017, tổng số tuyển sinh đạt 1.381.355 người, tương đương 62,8% kế hoạch. Trong đó, cao đẳng: 122.432 người; trung cấp: 158.923 người; sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng: 1.100.000 người. Như vậy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp chỉ đạt 52,1% kế hoạch.

Những ngành như cơ khí, công nghệ, khách sạn - nhà hàng thường xuyên thiếu nhân lực. Trong ảnh là học sinh Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Hải Nguyễn.

Thay đổi hay là chết?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy (Tổng cục Dạy nghề) - cho rằng, các trường nghề hoặc thay đổi, hoặc giải thể. Về nguyên nhân tuyển sinh đại học quá dễ dàng, 9 điểm có thể học đại học; cộng với tâm lý sính bằng cấp vẫn khá phổ biến có phải là sức ép với tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nghề hay không (?), ông Giang cho rằng sâu xa vẫn là học nghề, dạy nghề phải gắn kết với doanh nghiệp. “Trên thực tế tỉ lệ học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm khoảng 70%, có những ngành như cơ khí, công nghệ, khách sạn - nhà hàng,… nhân lực lúc nào cũng thiếu. Trong điều kiện hội nhập, ngoài học nghề, các kỹ năng khác như tiếng Anh, kỹ năng mềm, giao tiếp cần bổ sung để có thể tham gia thị trường lao động” - ông Giang nói.

Về thực tế một số nhóm ngành ở hệ trung cấp rất khó tuyển sinh, thậm chí gần đây không tuyển sinh được như điều dưỡng, hộ lý, in ấn,… khiến nhiều trường từng coi các nghề này là “xương sống” nay đứng trước nguy cơ đóng cửa, ông Giang cho hay, nhóm ngành sức khỏe thuộc ngành y tế quản lý và họ có yêu cầu nâng cao chất lượng theo quy định của họ. Lộ trình nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế một phần được nêu trong Thông tư 26, 27 của bộ này, dù có lộ trình nhưng trên thực tế nhân lực y tế trình độ trung cấp gần như không còn cơ hội việc làm trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, thị trường việc làm có khoảng 300 ngành nghề chính và lên tới hàng nghìn ngành nghề khi đi vào chi tiết. Hiện, nhóm ngành cơ khí, công nghệ, du lịch vẫn cần lượng lớn nhân lực; trong khi nhiều ngành khác gần như đứng trước nguy cơ xóa sổ. Ông Giang cho rằng các trường phải xác định nhanh chóng con đường tự chủ. Theo ông Giang, khi Bộ LĐTBXH quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, về hành lang pháp lý và các văn bản hướng dẫn khá đầy đủ, đồng bộ. Theo đó, các trường cao đẳng, trung cấp nghề được tự chủ nhiều mặt. Tuy nhiên, không ít nơi vẫn ỷ lại và trông chờ “bầu sữa” ngân sách xưa. “Nhà trường phải tự chủ chứ giải pháp rất vô cùng. Nếu không đủ điều kiện phải giải thể hoặc sáp nhập. Tôi nghĩ phải nêu cao vai trò của hiệu trưởng với các giải pháp cụ thể, rõ ràng” - ông Giang nhấn mạnh.

Về bài học “thay đổi hay là chết”, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội - cho rằng với các trường nghề, vấn đề cốt lõi là đảm bảo chất lượng. Theo đó, nhà trường phải đồng bộ hóa đào tạo kèm theo 3 yêu cầu cụ thể. Thứ nhất, có chương trình sát với yêu cầu của doanh nghiệp, nghĩa là nhà trường cho doanh nghiệp cùng xây dựng chương trình. Thứ hai, khi có chương trình tốt thì đội ngũ nhà giáo và chất lượng thiết bị phải đồng bộ với chương trình đó. Cuối cùng, khâu giám sát chất lượng phải đảm bảo minh bạch, công khai: Sinh viên, người học giám sát chất lượng dạy của thầy, thầy giám sát việc học sinh viên.

Về con số tuyển sinh cụ thể, ông Ngọc cho biết năm học 2016-2017 dù nỗ lực vượt bậc, nhà trường chỉ tuyển vừa đủ chỉ tiêu 900 sinh viên hệ cao đẳng. Năm nay, so với chỉ tiêu 900, nhà trường đã vượt kế hoạch đề ra. Dù con số vượt kế hoạch không lớn nhưng ông Ngọc cho rằng rất có ý nghĩa trong bối cảnh các trường khóc ròng vì không thể tuyển sinh. “Sinh viên nuôi nhà trường chứ không phải Chính phủ, đây là nhận thức để tự chủ” - ông Ngọc nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn