MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các kỹ năng sống chỉ được hình thành thông qua các hoạt động giáo dục cụ thể trong môi trường thích hợp. Ảnh minh họa: Hải Đăng

Trưởng phòng GDĐT Diễn Châu nói gì về chương trình kỹ năng sống khiến nhiều phụ huynh phản đối?

QUANG ĐẠI LDO | 09/09/2023 17:26

Việc tổ chức dạy học nội dung kỹ năng sống và tiếng Anh tăng cường trong trường tiểu học và mầm non không được sự đồng tình của phụ huynh do không hiệu quả.

Ngày 7.9, báo Lao Động đăng bài “Phụ huynh phản đối việc thu tiền dạy thêm kỹ năng sống trong trường tiểu học” phản ánh vào đầu năm học, phụ huynh bức xúc vì giáo viên gợi ý cho con đăng ký các lớp kỹ năng sống và tiếng Anh tăng cường vì tốn kém, không hiệu quả.

Sau khi báo đăng, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ông Mai Ngọc Long cho biết, việc tổ chức dạy kỹ năng sống tăng cường và tiếng Anh tăng cường là thực hiện theo các quy định hiện hành, không phải là dạy thêm.

“Trên cơ sở chương trình do Sở Giáo dục – Đào tạo phê duyệt, các nhà trường ký hợp đồng với các Trung tâm ngoại ngữ - tin học hoặc kỹ năng sống để tổ chức dạy kỹ năng sống tăng cường và tiếng Anh tăng cường cho học sinh. Việc ký kết giữa hai bên cũng như việc đăng ký học của phụ huynh, học sinh là hoàn toàn tự nguyện” – ông Mai Ngọc Long cho biết.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Diễn Châu, trong năm học 2022-2023, toàn huyện có 38 trường tiểu học, 38 trường mầm non, có 65% học sinh tiểu học trên địa bàn huyện đăng ký học kỹ năng sống tăng cường; 27% học sinh đăng ký học tiếng Anh tăng cường. Còn tỉ lệ học sinh mầm non đăng ký học nội dung kỹ năng sống tăng cường thì không đáng kể.

Việc triển khai dạy học nội dung kỹ năng sống tăng cường phải có sự đồng ý đăng ký tự nguyện của phụ huynh.

Phóng viên phản ánh vào đầu năm học 2023-2024, mặc dù chưa tổ chức họp phụ huynh nhưng tại huyện Diễn Châu đã có trường phân công thời khóa biểu dạy học môn kỹ năng sống. Trước thông tin này, ông Mai Ngọc Long cho biết, sẽ kiểm tra lại.

Ông Mai Ngọc Long cũng ghi nhận một số bất cập như việc tại một số trường Trung tâm kỹ năng sống không có giáo viên mà giao việc dạy kỹ năng sống cho chính giáo viên của nhà trường thực hiện; việc dạy kỹ năng sống cho học sinh thiếu các thiết bị, môi trường thực hành mà chỉ thông qua lý thuyết.

“Tôi sẽ cho kiểm tra các vấn đề mà nhà báo, phụ huynh phản ánh” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu cho biết.

Ngày 9.9, trao đổi với phóng viên, một giáo viên tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho hay, việc dạy kỹ năng sống tăng cường cho học sinh chỉ mang tính hình thức, không hiệu quả, học sinh không thích học, trong khi Trung tâm kỹ năng sống thu lợi nhuận rất lớn.

“Họ hợp tác với nhà trường dưới hình thức bán bản quyền chương trình, trong khi chương trình chất lượng kém, họ lại hưởng lợi tính trên số lượng học sinh, thu siêu lợi nhuận” – giáo viên nói trên cho hay.

Còn một cán bộ quản lý giáo dục tại Hà Tĩnh thì nói: “Trường tôi không triển khai môn kỹ năng sống tăng cường. Doanh nghiệp có đến mời chào nhưng tôi thấy chương trình không có chất lượng, không hiệu quả mà lại tạo thêm gánh nặng đóng góp cho phụ huynh nên đã thẳng thừng từ chối. Nhiều trường học cũng từ chối hợp tác triển khai”.

Việc triển khai môn tiếng Anh tăng cường trong trường tiểu học cũng tương tự. Nhiều phụ huynh, giáo viên không đồng tình vì không hiệu quả, chất lượng chương trình và chất lượng giáo viên không đảm bảo.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn đăng ký vì không muốn cho con bị lạc lõng so với bạn bè, do tiết tiếng Anh tăng cường được chèn vào 1 tiết trong giờ học buổi chiều hàng tuần.

Trước những phản ánh nói trên, đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo Nghệ An cho biết, sẽ kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh nếu có bất cập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn