MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến cho rằng trẻ cần có đủ 3 tháng hè để nghỉ ngơi, thư giãn thay vì đi học quá nhiều như hiện nay. Ảnh: Hải Nguyễn

Trường tư vào học sớm: Kỳ nghỉ hè là của trẻ

THIÊN MINH LDO | 10/07/2020 16:20

Kỳ nghỉ hè là của trẻ, không phải là của người lớn. Nếu thật sự quan tâm đến trẻ, chắc chắn chúng ta sẽ không lấy các lý do lợi ích của người lớn để bóp méo các quy định dành cho trẻ - TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

- Hiện nay đang có cuộc tranh luận về lịch nghỉ hè cho học sinh, đặc biệt với các trường tư. Nhiều trường đưa ra lý do cần đi học sớm vì: nhu cầu của phụ huynh, chương trình đào tạo riêng tới 10-11 tháng/năm chứ không chỉ 9 tháng như công lập, không có tiền trả lương giáo viên… Quan điểm của TS như thế nào về vấn đề này?

Tôi không đồng ý với việc học sinh trường tư sẽ phải đi học sớm. Trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận lại mọi việc. Cách đây chục năm, trẻ cũng nghỉ hè 3 tháng. Sau đó, các trường tư thục tự ý cho học sớm và tạo thành phong trào.  Từ đó, mọi người đã nhìn nhận sai lệch về hè dẫn đến dần dần trẻ cả nước không còn hè đúng nghĩa nữa.

Các trường dù công lập hay dân lập cũng cần phải tuân thủ luật lệ ngành. Không thể cố ý tạo ra các đặc thù trái quy định ngành rồi sau đó yêu cầu cả nước tôn trọng đặc thù đó.

Trong ý kiến trả lương cho giáo viên hay nhu cầu của phụ huynh cũng không hề nói đến trẻ nhỏ. Hè là của trẻ, không phải là của phụ huynh hay giáo viên.

- Có ý kiến lo ngại 3 tháng hè thì bố mẹ không có thời gian trông trẻ, trẻ sẽ quên kiến thức. Theo bà, cha mẹ phải giải quyết như thế nào về vấn đề này?

Giáo dục đại trà tại Việt Nam đã được hình thành từ năm 1945 đến nay. Từ đó đến trước khi hè bị biến dạng, trẻ luôn nghỉ hè 3 tháng. Thế nhưng, thực tế, không có chuyện trẻ quên hết kiến thức. Các lớp học vẫn tiến hành bình thường không có khó khăn gì. Do vậy, sự lo ngại này là không có cơ sở.

Còn việc trông nom trẻ, trong thời gian chúng ta cho trẻ nghỉ dịch COVID-19, ngoại trừ vài tuần dãn cách xã hội, còn thì cha mẹ đi làm, trẻ ở nhà. Vậy nhưng chúng ta vẫn xử lý được mọi việc. Nghỉ dịch làm được, sao hè không làm được?

- Nhiều phụ huynh đồng ý cho con nghỉ 3 tháng hè nhưng lại “đẩy” trẻ vào các lớp học thêm, phụ đạo. Như vậy có làm giảm ý nghĩa hay không, thưa TS Vũ Thu Hương?

Các lớp học thêm, phụ đạo hè trước nay vẫn có nhưng trước khi phong trào thành tích xuất hiện ồ ạt, các lớp này không làm ảnh hưởng quá nhiều đến trẻ.

Việc quan trọng cần làm chính là Bộ nên có các quy định rõ ràng về các lớp học này. Nếu trong hè có lớp, các lớp được phép tổ chức từ lúc nào, với thời lượng bao nhiêu? Thậm chí, chúng ta nên có quy định xử phạt các cha mẹ bắt con đi học thêm quá nhiều.

- Làm sao để hài hoà lợi ích của cả học sinh, phụ huynh và nhà trường?

Trước khi chúng ta mong hài hòa lợi ích 3 bên thì cần phải đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu. Kỳ nghỉ hè là của trẻ, không phải là của người lớn. Nếu thật sự quan tâm đến trẻ, chắc chắn chúng ta sẽ không lấy các lý do lợi ích của người lớn để bóp méo các quy đinh dành cho trẻ. Rõ ràng hiện nay, tôi cảm thấy mọi thứ của trẻ đều bị biến tướng do lợi ích của người lớn.

Xin cảm ơn TS Vũ Thu Hương!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn