MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS-TS Hoàng Xuân Sính cho rằng truyền thống "tôn sư trọng đạo" ngày càng mai một vì giáo dục bây giờ bị nhiều người coi là dịch vụ để bán-mua.

Truyền thống tôn sư trọng đạo, vì sao phai nhạt?

Đặng Chung LDO | 08/03/2018 08:00
Truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp đang bị lung lay, đảo lộn thang giá trị, nên mới xảy ra những chuyện hết sức ngược đời: Thầy sợ trò, giáo viên vì sợ, phải quỳ gối để xin lỗi phụ huynh…

Xót xa cho nghề cao quý!

Sự việc cô Nhung ở Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) quỳ gối xin lỗi phụ huynh khiến nhiều nhà giáo nuốt thầm nước mắt, thương cho cái nghề vẫn được rao giảng là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” mà họ đã chọn.

Rồi chuyện của cô Nhung chưa lắng lại xảy ra vụ việc học sinh lớp 8 tại Bến Tre có hành vi bóp cổ, đe dọa giáo viên tiếng Anh ngay tại lớp học. Phải nhờ nhiều giáo viên và học sinh can ngăn, cô giáo mới thoát ra trong sợ hãi.

Ngày xưa, thầy cô được tôn trọng, được học sinh quý mến, nhưng ngày nay, học sinh lại chỉ thẳng mặt mà chửi, mà dọa dẫm thầy cô. Rồi lương không đủ sống, trong khi áp lực tứ bề. Từ thành tích, thi đua, áp lực học sinh, nhà trường khiến giáo viên buồn về nghề. Có người xác định sẵn tâm lý “giữ mình” để tránh “quyền rơm vạ đá”, chọn cách làm ngơ trước hành vi sai trái của học sinh.

Không còn tôn sư, làm sao có trọng đạo?

Cùng chia sẻ với các thầy cô gánh vác sự nghiệp trồng người trong thời nghề giáo phải chịu áp lực trăm bề, GS.TS.Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính chỉ ra các nguyên nhân khiến hệ giá trị trong giáo dục bị đảo lộn. Trong đó, không phủ nhận việc môi trường sư phạm hiện giờ có những chuyện khiến xã hội không tôn trọng nghề giáo như xưa nữa.

“Tôi nhớ từ những năm 1980, lúc đó kinh tế vẫn khó khăn. Trên bục giảng rất chỉn chu, nhưng tối đến, các thầy cô mỗi người một gánh chè đỗ xanh, đỗ đen ngồi ở cổng trường để bán lại cho sinh viên.

Rồi khi chuyển sang cơ chế thị trường, chuyện làm kinh tế lan cả vào trường học. Như ở trường phổ thông xuất hiện học thêm dạy thêm, ở đại học có chuyện mua bán bằng cấp. Khi phụ huynh phải bỏ nhiều tiền ra để chi cho việc học tập của con cái, họ cũng ức chế, không còn sự tôn trọng nữa. Mà khi tôn sư không còn, làm sao có trọng đạo?” – nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam chia sẻ.

Bà cũng kể lại kỷ niệm vui của con mình khi đến chơi nhà cô giáo ngày 8.3: “Lúc đó, con học lớp 4, có xin tôi 3 hào để mua quà tặng cô. Đi chọn một hồi, con mua được một bức tượng bằng thạch cao, còn một bạn khác trong lớp thì mua được nải chuối.  Trên đường đi, con tôi vô ý làm rơi bức tượng, khiến tượng bị sứt một miếng. Rồi đường xa, đói quá, con và bạn vừa đi vừa vặt chuối ăn. Khi đến nơi, chuối thì còn nửa nải, tượng thì sứt. Thấy học trò rón rén cầm bức tượng tặng, cô biết chuyện nhưng vẫn rất vui, cảm động trước tình cảm của học trò.

Đấy, thời xưa chỉ có chữ tình thôi. Còn bây giờ nhiều giá trị bị thay đổi, phụ huynh băn khoăn hỏi nhau mùng 8.3 đi phong bì cho cô giáo bao nhiêu. Rồi giáo dục cũng được xem là một dịch vụ, có bán có mua. Mà như thế, có thể tình thầy trò vẫn còn, nhưng ít nhiều phai nhạt”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn