MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Lệ Thu

TS Vũ Thu Hương: Giáo viên trường Lương Thế Vinh nên chia sẻ với học sinh

Đặng Chung (thực hiện) LDO | 26/09/2017 19:00
Theo quan điểm của TS Vũ Thu Hương (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh đã thiếu sự chia sẻ với học sinh, nên việc giáo dục biến thành cuộc chiến dữ dội, mà thiệt hại lớn nhất là đứa trẻ.

Tiến sĩ có đồng tình với cách giáo dục “cứ sai là bắt học sinh viết bản kiểm điểm”, như chia sẻ của phụ huynh có con học ở Trường THPT Lương Thế Vinh về cách làm của cô chủ nhiệm với con họ?

Việc sử dụng hình phạt không khéo không chỉ vô tác dụng mà còn lợi bất cập hại. 

"Với bất kể ai, cách đối xử tôn trọng và đề cao cũng có tác dụng tốt hơn là hình phạt quá nghiêm khắc".

Khi chúng ta chỉ sử dụng hình phạt mà không có lời chia sẻ tâm sự, học sinh sẽ luôn có cảm giác mình là kẻ phạm tội. Cảm giác tiêu cực này sẽ không có giá trị giáo dục mà đôi khi còn khiến các em cùn ra.

Cũng có người cho rằng việc giáo viên khiêm khắc là muốn rèn học sinh vào nền nếp. TS có đồng tình với quan điểm này?

Tất cả phương pháp giáo dục đều không thể có tác dụng nếu không có sự song hành giữa nhà trường và phụ huynh.

Bản thân phụ huynh em học sinh Trường Lương Thế Vinh cũng đã sai khi bênh vực con lúc con vi phạm. Sự bênh vực này có thể khiến con không hiểu mình đã sai.

Ngoài ra, cô giáo thiếu sự sẻ chia, tâm sự nên việc giáo dục trẻ đã biến thành cuộc chiến dữ dội, mà thiệt hại lớn nhất là đứa trẻ.

Là một chuyên gia tâm lý sư phạm, theo TS với lứa học sinh đang học THPT, nên giáo dục theo phương pháp nào?

Giáo dục trẻ THPT cần có quy định và thưởng phạt công minh. Ngoài ra, các em cũng cần sự sẻ của giáo viên cùng với sự hiểu biết kha khá về giới trẻ. Nếu giáo viên thiếu 3 điều này, họ sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc đào tạo học sinh.

"Với các học sinh vi phạm, những hình phạt là cần thiết nhưng sự gần gũi chia sẻ không thể bỏ qua".

Ngoài ra, giáo viên cũng cần tư vấn cho cha mẹ biết cách ứng xử phù hợp để phối hợp giáo dục cho hiệu quả.

Tâm lý cha mẹ luôn cho rằng con mình là nhất. Khi con bước vào môi trường có tính kỷ luật cao thì không chỉ học sinh mà cả phụ huynh đều bị “sốc tâm lý”. Trong trường hợp đó, phụ huynh nên phối hợp với nhà trường ra sao để giúp trẻ kịp thích nghi và không bị tổn thương?

Trước mắt phụ huynh cần tách bạch giữa kết quả học tập và các vấn đề khác của con như thái độ, kỹ năng, hành vi... Không có gì đảm bảo là điểm thi cao thì những thứ khác đều ổn và ngược lại.

Cha mẹ không nhìn ra các vấn đề của con thì chính cha mẹ sẽ là người phá hỏng nhân cách của con.

Ngoài ra, khi giáo viên có nhận xét không hay về con, cha mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận để giúp con rút kinh nghiệm, chứ không phải là soi lỗi giáo viên và bênh con ngay lập tức.

- Cảm ơn Tiến sĩ đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn