MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ chối cơ hội trúng tuyển đại học, nhiều thí sinh tìm hướng đi mới

Phùng Nhung LDO | 08/09/2022 07:27

Thay vì chờ kết quả xét tuyển, nhiều thí sinh đã từ chối cơ hội trúng tuyển đại học và tìm cho mình một hướng đi mới phù hợp với năng lực và hoàn cảnh.

Chấp nhận làm việc 12 tiếng/ngày trong khu công nghiệp

Sau thời gian dài suy nghĩ, Nguyễn Yến (Vĩnh Phúc) đã quyết định từ bỏ việc chờ đợi kết quả xét tuyển đại học và lựa chọn làm công nhân tại khu công nghiệp Bá Thiện, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Yến cho biết, trước đó không thể tìm ra định hướng và không đam mê với bất cứ ngành nghề gì, hơn nữa vì áp lực từ phía gia đình nên đã “nhắm mắt” đăng ký vào chuyên ngành Giáo dục mầm non của Trường Đại học Sư phạm 2.

"Em chỉ đăng ký cho có, sau đó cảm thấy khá chán nản và muốn kiếm tiền nên quyết định đi làm. Cuộc sống của công nhân lặp đi lặp lại, 8 giờ sáng bắt đầu công việc và kết thúc vào lúc 20 giờ. Em sợ nhất những tuần làm đêm, thiếu ngủ, sức khỏe giảm sút. Mới đi làm được gần 2 tháng mà em đã giảm gần 5 kg. Đi làm rất mệt, nếu như làm chậm, làm sai còn thường xuyên bị tổ trưởng mắng” - Yến tâm sự.

Cô bạn cũng cho biết, khi đã xác định đi làm công nhân sẽ chấp nhận không có nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình. “Nhiều khi thấy gia đình, bạn bè tụ tập, đăng hình đi chơi mà mình không thể tham gia được nghĩ cũng buồn lắm” - Nguyễn Yến nói.

 Nguyễn Yến vừa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: NVCC

18 tuổi, Yến chọn đi làm. Em cho biết, nếu quyết định học đại học chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc của gia đình. Sau 2 tháng trải nghiệm làm công nhân Yến đã có kế hoạch cho tương lai.

"Nghĩ mình còn trẻ mà phải chịu “chôn chân” tại khu công nghiệp thì thật lãng phí. Gần đây em có tìm hiểu về xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình và tham khảo ý kiến của bạn bè em quyết định năm sau sẽ học tiếng và bay.

Chi phí để sang Nhật không ít, trước mắt em sẽ tạm thời làm công nhân để tích luỹ vốn khi cần dùng sẽ có sẵn một khoản để dành” - cô bạn hào hứng chia sẻ.

Cần đặt ra mục tiêu và có kế hoạch thực hiện

Thấu hiểu tâm lý học sinh trong thời điểm này, thầy Trần Tuấn Thi - giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hưng Yên) đưa ra lời khuyên: Khi có những hướng đi mới, các em cần phải kiên định với lựa chọn của mình, điều này tạo động lực thực hiện hóa mục tiêu.

“Khi định hướng không rõ ràng thì suy nghĩ sẽ dễ tác động bởi những lời nói xung quanh. Tâm lý không vững sẽ khiến các em bị thay đổi lựa chọn liên tục và cuối cùng mọi ý định đều dở dang. Các em có thể từ bỏ học đại học để học nghề, đi du học hoặc đi xuất khẩu lao động, nhưng phải có định hướng từ trước” - thầy Thi nói.

Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, thí sinh mới tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT còn trẻ, cần học hỏi và khám phá nhiều hơn. Điều quan trọng là phải có trách nhiệm với bản thân, không được thả trôi tuổi trẻ, đó là một sự lãng phí.

Đồng quan điểm, thầy Công Hoàng - giáo viên Trường THPT Hồng Thái (Hà Nội) khuyên thí sinh cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, nếu băn khoăn thì hãy tham khảo ý kiến của gia đình và những thế hệ anh chị đi trước.

"Có rất nhiều con đường cho các bạn trẻ lựa chọn, có lẽ điều đó khiến các bạn bị rối bời. Khi có một hướng đi mới cần xây dựng kế hoạch cụ thể, cân nhắc xem có phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế của gia đình không.

Bên cạnh đó, các em nên hỏi ý kiến của những người thân trong gia đình để nhận được sự ủng hộ và đồng hành. Như vậy quá trình thực hiện sẽ diễn ra thuận lợi hơn”- thầy Hoàng đưa ra lời khuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn