MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh không còn thích thú với việc ôn thi học sinh giỏi. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Từ chối vào đội tuyển luyện thi vì sợ "mác" học sinh giỏi

Thiều Trang LDO | 02/03/2022 16:16
"Em cảm thấy mệt mỏi và hối hận khi các bạn khác ngoài giờ học được đi chơi, tập luyện thể thao, đi ăn uống, thoải mái về thành tích học tập,... còn em phải cật lực ôn đội tuyển, quay mòng mòng bên các tập đề dày cộp, tất cả thời gian đều dành cho việc thi học sinh giỏi" - Nguyễn Lê Thùy Linh (sinh năm 2005) bộc bạch.

"Em sợ làm một học sinh giỏi mang quá nhiều áp lực"

Từ nhỏ, Nguyễn Lê Thùy Linh (sinh năm 2005) đã được "gắn mác" là "con nhà người ta" vì thành tích học tập xuất sắc, năng nổ, hoạt bát trong mọi hoạt động trường lớp. Tuy nhiên, điều này vô tình trở thành áp lực bủa vây Linh đến tận bây giờ.

Linh kể, em đã trải qua nhiều cuộc thi lớn nhỏ, từ cấp trường, cấp quận rồi cấp thành phố. Mỗi cuộc thi là một niềm vinh hạnh khác nhau, nhưng đằng sau đó là những áp lực không biết ngỏ cùng ai. Vì áp lực thành tích, vì cường độ học tập cao, vì kỳ vọng của mọi người, Linh ép mình phải học, phải đạt giải cao bằng mọi giá. Nhưng chỉ cần sơ sẩy làm sai, không đạt thành tích tốt sẽ bị đem ra bàn luận.

"Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 9 em không đạt giải, điều này khiến em vô cùng thất vọng. Chưa kịp lấy lại tinh thần em đã nhận được những lời bình phẩm không hay, nhiều bạn bè, thầy cô còn cho rằng em ham vui nên chểnh mảng học tập, bố mẹ cũng mất niềm tin về em.

Thời gian đó, em rơi vào trạng thái chán nản, không muốn làm gì và không có định hướng về tương lai. Mỗi tối ngồi vào bàn học em chỉ vẽ vời, đọc truyện rồi lén bố mẹ xem tivi. Em cảm thấy mệt mỏi và hối hận khi các bạn khác ngoài giờ học được đi chơi, tập luyện thể thao, đi ăn uống, thoải mái về thành tích học tập,... còn em phải cật lực ôn đội tuyển, quay mòng mòng bên các tập đề dày cộp, tất cả thời gian đều dành cho việc học.

Từ đó, em quyết định sẽ không bao giờ tham gia đội tuyển học sinh giỏi, em đã từ chối mọi lời đề nghị, khuyên nhủ, thậm chí ép buộc của thầy cô, em chỉ muốn là một học sinh bình thường. Và cho đến tận bây giờ, em vẫn sợ làm một học sinh giỏi mang quá nhiều áp lực" - Thùy Linh nói.

Học sinh giỏi là hạnh phúc hay áp lực?

Xuất phát là một học sinh có học lực trung bình - Lê Trung Thành (sinh năm 2004) đã từng mang tư tưởng chống đối với bố mẹ khi liên tục bị so sánh với "con nhà người ta". Thành kể, năm học lớp 6, lớp 7 em mang danh "học sinh cá biệt" vì thường xuyên trốn học đi chơi điện tử, quậy phá trong lớp, chống đối thầy cô và liên tục bị giáo viên chủ nhiệm mời bố mẹ lên làm việc.

Mọi việc vẫn sẽ tiếp diễn như vậy nếu em không trải qua biến cố đầu tiên trong cuộc đời - bố em bị tai biến và bị liệt. Năm đó, Thành bước vào lớp 8.

"Em vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, mẹ gọi em vào phòng và khóc. Mẹ nói nếu em không thay đổi thì mẹ không biết nương tựa vào ai, không biết tương lai sẽ như thế nào. Kể từ hôm đó, em đã thay đổi, em tự đặt áp lực lên chính mình" - Thành bộc bạch.

Cậu học trò năm ấy vì thương bố mẹ đã nỗ lực học tập, ngày nào cũng làm bài tập đến khuya, cố gắng phấn đấu vào đội tuyển học sinh giỏi, tham gia nhiều cuộc thi để bố mẹ tự hào. Lên cấp 3, Thành đỗ vào lớp chọn khối A của trường điểm trong huyện, liên tiếp xếp thành tích cao nhất khối, tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi. Nhưng ở kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán em chỉ đạt giải Khuyến khích. Thành tích này khiến nam sinh lâm vào trạng thái chán nản và bất lực.

"Em đã phụ lòng tin tưởng của bố mẹ, thầy cô, phụ cả thời gian và công sức của chính bản thân mình. Dù đã cố gắng vực dậy, tự an ủi bản thân cố gắng nhưng em đã mất niềm tin vào chính mình. Điều em lo lắng nhất hiện nay là thời gian thi đại học chỉ còn tính bằng tháng, em không biết mình có kịp ôn tập hay không, em đã dành quá nhiều công sức cho việc ôn luyện đội tuyển, những môn khối dường như ở con số 0" - Thành thở dài rồi nói:

"Em cũng không rõ mác học sinh giỏi là hạnh phúc hay áp lực? Nếu em không đỗ đại học hay thấp điểm hơn các bạn học sinh khác em sẽ tiếp tục là kẻ thất bại trong mắt mọi người, bố mẹ sẽ phiền lòng, thầy cô sẽ mất hy vọng về em, em không biết phải làm thế nào".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn