MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đi kèm với nguồn thu lớn là trách nhiệm công khai, minh bạch của của trường đại học. Ảnh: NTCC

Tự chủ tài chính buộc phải thành công, nếu thất bại là phá sản

VIỆT HOÀNG LDO | 13/10/2022 14:00

Cơ chế tự chủ tài chính buộc các cơ sở giáo dục phải tìm mọi cách để tồn tại và phát triển bền vững, không thể ỷ lại vào đâu, vào nguồn nào. Bởi vì thất bại có nghĩa là phá sản và phải đóng cửa. Chính vì thế, khi trường học tự chủ về tài chính và vận hành cơ chế hoạt động như một doanh nghiệp sẽ cần những chiến lược đúng đắn.

Dấu ấn về tự chủ tài chính

Năm 2022, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) bước vào tuổi thứ 25 hình thành và phát triển. Trong quá trình ¼ thế kỷ ấy, TDTU ngày càng trưởng thành và khẳng định dấu ấn của mình với mô hình tự chủ tài chính dưới sự chủ quản của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Sau 25 năm, tổ chức bộ máy và nhân sự của trường đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trung tâm giáo dục khoa học - công nghệ lớn với hơn 1200 giảng viên – viên chức trình độ cao.

Hoạt động đào tạo nhân lực đạt chuẩn chất lượng quốc tế khi có 40 ngành/chuyên ngành đại học chương trình tiêu chuẩn, 17 ngành chương trình chất lượng cao, 12 ngành chương trình đại học bằng tiếng Anh, 11 ngành chương trình liên kết đào tạo quốc tế, thạc sĩ có 18 ngành,  tiến sĩ có 21 ngành. Quy mô đào tạo khoảng 26.500 sinh viên hằng năm, cung ứng cho xã hội 53.649 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, dược sĩ; thạc sĩ có 18 ngành và 21 ngành đào tạo tiến sĩ.

Song song với đó, TDTU cũng thực hiện tốt nhiệm vụ do cơ quan chủ quản giao và trách nhiệm xã hội, trong đó, chú trọng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động; nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận cho cán bộ công đoàn; tham gia tốt và có trách nhiệm các phong trào thi đua do các cấp, địa phương phát động; các chương trình hướng về biển - đảo Tổ quốc do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.…

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2022, TDTU đã xác lập vị trí vững chắc trên bản đồ giáo dục thế giới bởi các hệ thống xếp hạng quan trọng, bao gồm: Top 500 đại học tốt nhất thế giới theo THE World University rankings. Cũng trong bảng xếp hạng này, nhà trường được xếp 98 (Top 100) trường đại học trẻ (thành lập dưới 50 năm) tốt nhất thế giới; Thứ 73 Châu Á theo QS Asia University rankings; Top 700 đại học tốt nhất theo hệ thống xếp hạng đại học Thượng Hải (ARWU).

Có được kết quả này là nhờ một phần vào sự tiên phong và thành công trong tự chủ đại học. Trong tình hình không có đầu tư từ ngân sách nhà nước, hoàn toàn tự chủ tài chính, nhà trường trong 25 năm đã tích lũy và đóng góp vào tài sản nhà nước gần 2.200 tỉ đồng, đặc biệt là đã xây dựng được một hình mẫu thành công về tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; hình thành được một đại học kiểu mẫu, chất lượng.

Chia sẻ kinh nghiệm tự chủ tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trường, TS Trần Trọng Đạo - Quyền Hiệu trưởng bày tỏ: Vì có xuất phát điểm là một đại học dân lập (từ năm 2008 mới chuyển sang công lập), TDTU ngay từ đầu đã bắt buộc phải tự lo cho mình mọi thứ kinh phí: đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị, thiết bị, phòng thí nghiệm, chi trả lương cho bộ máy, chi thường xuyên khác, phát triển nhân sự...

“Cơ chế tự chủ tài chính có tính đương nhiên từ những ngày đầu buộc trường một mặt phải tìm mọi cách để tự tồn tại và phát triển bền vững để tồn tại; không thể ỷ lại vào đâu, vào nguồn nào. Một mặt buộc nhà trường phải hoạt động thành công, vì thất bại có nghĩa là phá sản và phải đóng cửa”, ông Đạo chia sẻ.

Tuy vậy, điểm thuận lợi là khi tự chủ về tài chính giúp trường có một số quyền khác như tự chủ quyết định số lượng, tiêu chuẩn nhân sự, kế hoạch tuyển dụng, trả lương, phụ cấp; quyết định mua sắm, đầu tư từ nguồn tài chính tự có được của mình. Cơ chế trên kết hợp được với những lãnh đạo có tâm, sự hy sinh và quyết liệt; cộng với quan điểm xây dựng đại học theo chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế ngay từ đầu; cùng với tư duy quản trị đại học lấy hiệu quả làm thước đo quan trọng nhất, đã làm cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát triển nhanh chóng và sớm trở thành khác biệt so với các đại học khác trong hệ thống đại học công lập Việt Nam.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng lọt Top 500 đại học tốt nhất thế giới theo THE World University rankings. Ảnh: NTCC

Nguồn thu lớn đi kèm là trách nhiệm công khai, minh bạch

Là 1 trong 5 trường đại học tại Việt Nam có nguồn thu nghìn tỉ/năm, TS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) chia sẻ trong 05 năm từ 2017 đến 2021, tổng thu của HUTECH tăng đều, từ hơn 697 tỉ đồng vào năm 2017 đến hơn 1.000 tỉ đồng vào năm 2021. Tổng thu này đến từ các nguồn chính gồm học phí, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các dự án tài trợ quốc tế, hợp tác đào tạo quốc tế, hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và đóng góp của cựu sinh viên vào Quỹ phát triển HUTECH.

Trong đó, học phí là nguồn thu chủ yếu khi HUTECH là trường đại học đa ngành có quy mô gần 60 ngành đào tạo đại học và sau đại học. Số lượng người học ở tất cả trình độ hiện có khoảng trên 25.000 người.

“Quy mô này mang lại nguồn thu học phí ổn định cho nhà trường. Đây cũng là một đặc thù của giáo dục - đào tạo, vì kể cả trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoặc những biến động kinh tế - xã hội khiến nguồn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đầu tư đào tạo nhân lực chuyên môn của doanh nghiệp bị cắt giảm, yêu cầu chi tiêu cho học tập đại học vẫn được hầu hết các gia đình Việt Nam xem là chi tiêu chính đáng”, ông Quốc Anh phân tích.

Với nguồn thu lớn như vậy, câu hỏi được nhiều người quan tâm là nhà trường sẽ tái đầu tư cho đào tạo, cơ sở vật chất như thế nào để giáo dục không trở thành một “món hàng” để kinh doanh.

Trả lời về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Anh cho rằng, người học luôn yêu cầu sự công khai, minh bạch từ nhà trường vì thế cần rõ ràng lộ trình học phí toàn khóa cũng như các khoản thu khác, kể cả với những khoản thu không lớn. Thông tin công khai là điều kiện tiên quyết làm nên lòng tin ở người học - “khách hàng đặc biệt” của một trường đại học.

Ông Quốc Anh nhấn mạnh, giải pháp phát triển bền vững nhất của một trường đại học là đầu tư cho chất lượng đào tạo. Nguồn thu lớn ngày càng tăng thì ngân sách chi cho việc đầu tư phát triển con người và cơ sở vật chất cũng tăng liên tục trong 05 năm qua. Như năm 2017, tổng thu là hơn 697 tỉ đồng, chi cho đào tạo chiếm 52,16%, chi cho đầu tư phát triển chiếm 24,82%. Đến năm 2021, tổng thu là hơn 1.044 tỉ đồng thì chi cho hoạt động đào tạo chiếm đến 56% và chi cho đầu tư phát triển chiếm 24,83%.

Nói về khó khăn lớn nhất trong điều hành hoạt động trường ngoài công lập, TS Nguyễn Quốc Anh chia sẻ đó là bài toán quản lý và cân bằng thu - chi.

“Là một trường đại học đa ngành với quy mô lớn, chúng tôi liên tục phải rà soát hệ thống quản lý nội bộ, cập nhật các quy chế chi tiêu,... nhằm đảm bảo quy chế chi tiêu hợp lý nhưng đồng thời vẫn kịp thời đáp ứng yêu cầu đầu tư và phát triển của tất cả các đơn vị trực thuộc, để ngân sách đầu tư được sử dụng hợp lý, hiệu quả”, ông Quốc Anh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn