MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Bảo Lâm l Thủ khoa kép của ĐH Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC

Từ học sinh cá biệt đến Thủ khoa kép Đại học Giao thông vận tải

Phạm Đông LDO | 13/09/2020 15:39

Từng là học sinh cá biệt, học lực kém trong lớp, tuy nhiên với sự nỗ lực qua từng cấp học, Nguyễn Bảo Lâm đã trở thành Thủ khoa kép của Trường Đại học Giao thông Vận tải với tổng điểm 3,82/4.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống về xây dựng cầu đường, từ bé, Nguyễn Bảo Lâm (23 tuổi, Hà Nội) được sống cùng ông bà và nghe những câu chuyện về công trình, xây dựng cầu đường. Càng nghe, cậu càng tự hào và mong muốn được một ngày sẽ giống như những người đi trước trong gia đình.

"Từ ngày ý thức được nghề của gia đình, mình rất vinh dự, tự hào khi có bố và ông đều là những người rất giỏi, nhưng đôi khi việc đó cũng trở thành gánh nặng vì phải giỏi giang để không bị so sánh", Bảo Lâm nói.

Năm cấp 2, so với các bạn trong lớp, Lâm cảm nhận bản thân như một học sinh cá biệt, lực học kém và luôn ở phần cuối của lớp. Nhận ra điểm yếu của bản thân, cậu bắt đầu học tập, kết hợp với lợi thế môn Tiếng Anh và sự động viên từ gia đình nên thành tích dần cải thiện.

Lên cấp 3, Lâm quyết định lựa chọn vào trường Thăng Long và đoạt giải tiếng Anh cấp quận năm lớp 12. Sau đó, nam sinh thi khối A1 vào chuyên ngành Cầu đường bộ Việt - Anh, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông với tổng điểm 25. Với điểm số này, Lâm là thủ khoa đầu vào của Đại học Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên khi vào năm nhất đại học, tâm lý chủ quan và xả hơi khiến nam sinh có một thời gian bỏ bê học tập, có khoảng 2 tháng thành tích học tập đi xuống. Sớm nhận ra điều đó và tăng tốc trở lại, cộng thêm sự giúp đỡ của bạn bè nên nam sinh đã thường xuyên lên thư viện hoặc đi học nhóm, tối về nhà hệ thống lại kiến thức.

Vốn là người có khả năng nhớ ngắn hạn tốt, việc vượt qua các môn học thuộc của nam sinh khá dễ dàng. Với các môn làm bài tập, nam sinh cho rằng cách tốt nhất là làm nhiều bài tập. Theo Lâm, đối với học tín chỉ, khi thời gian tự học chiếm 2/3, 1/3 còn lại sẽ lên lớp để nghe giảng và nhờ thầy cô giải đáp thắc mắc. Sau khi tổng kết năm nhất, Lâm đạt 3,97/4 điểm.

Sang năm 2, khi thấy việc tham gia các câu lạc bộ chiếm quá nhiều thời gian, Lâm xin rút và tập trung tham gia các nghiên cứu khoa học tại khoa. Năm thứ 3, cậu là đại diện của trường sang Nhật Bản một tuần để giao lưu, học hỏi và tham quan các cơ sở nghiên cứu của nước bạn. Đến năm 4, cậu tiếp tục được cử sang Nhật, tham gia vào hội thảo quốc tế do hội kỹ sư Nhật Bản tổ chức.

Bảo Lâm là một trong 88 thủ khoa được vinh danh sáng 7.9 vừa qua tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nhìn lại bản thân sau các năm học, Lâm cho rằng chỉ cần biết mình cần gì, muốn gì, bạn sẽ luôn biết cách để thực hiện mục tiêu. Sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, thầy cô cũng là nguồn sức mạnh cần thiết, cổ vũ Lâm rất nhiều.

Tốt nghiệp ra trường theo hệ đào tạo 4,5 năm, Lâm vẫn giữ phong độ và tiếp tục trở thành thủ khoa đầu ra toàn trường với điểm tổng kết 3,82/4. Với kết quả trên, cậu được giữ lại làm giảng viên.

Ngoài là một giảng viên thỉnh giảng môn Vật liệu xây dựng tại Đại học Giao thông Vận tải, Bảo Lâm đang theo học chương trình thạc sĩ để bổ sung kiến thức và hỗ trợ cho công việc sau này. Song hành cùng việc trau dồi kiến thức, nam sinh tiếp tục lắng nghe các bài giảng của thầy cô, vận dụng các kiến thức từ thực tiễn để bài giảng trở nên thuyết phục.

"Để có trở thành giảng viên hay không còn do nhiều yếu tố quyết định, từ việc chuẩn bị bài, cách dạy học, phương thức truyền đạt... Nếu đạt hết các tiêu chí ấy mới được nhà trường xem xét" - Lâm nói thêm.

Với sự sự nỗ lực và xuất sắc của mình, Bảo Lâm đã trở thành một trong 88 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 được tuyên dương vào ngày 7.9 vừa qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn