MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tư nhân hóa trường chuyên: Cựu học sinh THPT Chuyên HN Amsterdam lên tiếng

Linh Chi LDO | 26/06/2020 06:19

Những ngày qua, quan điểm "nên giải thể hoặc tư nhân hóa trường chuyên, đặc biệt là Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam" của PGS-TS Nguyễn Đức Thành - một chuyên gia kinh tế - đã nhận được sự quan tâm, tạo nên cuộc tranh luận nảy lửa. 

Những ý kiến đồng tình với đề xuất trên cho rằng, mô hình trường chuyên bộc lộ nhiều bất công, chuyên luyện "gà nòi" và ôn thi ĐH; là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu. Đồng thời việc chạy đua để vào ngôi trường này khiến có thể nảy sinh các tiêu cực như phụ huynh chạy chọt để con em có bảng điểm đẹp, có giải thưởng...

Ngược lại, ý kiến khác lại cho rằng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và hệ thống trường chuyên trên cả nước góp phần không nhỏ bồi dưỡng nhân tài. Rất nhiều học sinh của các trường này đã gặt hái được nhiều giải thưởng quốc tế, mang lại niềm tự hào cho đất nước, cho các địa phương. Và đặc biệt là không nên giải thể trường chuyên.

Trước những quan điểm trái chiều này, Báo Lao Động ghi nhận ý kiến của học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam - những người trong cuộc. 

Nguyễn Công Thái Sơn - cựu học sinh chuyên THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam: Tôi phản đối việc dẹp bỏ trường chuyên

Nguyễn Công Thái Sơn - cựu học sinh chuyên THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam 

Xã hội chúng ta được xây dựng để hướng tới sự công bằng - nhưng tuyệt đối không phải là cào bằng, không thể có chuyện mong muốn một xã hội phát triển nhưng ép những cá thể có năng lực và ý chí vượt trội khác nhau hoạt động trong cùng một môi trường được. Việc tổ chức trường chuyên là tạo ra môi trường phù hợp nhất để ươm mầm cho các thành viên có khả năng và năng lực tốt.

Một số người nói rằng trường chuyên chỉ dành riêng cho con nhà giàu, trường chuyên nào tôi không biết nhưng Ams chưa bao giờ là nơi dành riêng cho con nhà giàu.

Tôi từng chứng kiến những người bạn rất khó khăn trong cùng khối, hàng sáng vẫn đi từ Văn Giang, bên kia cầu Thăng Long thay 3 lượt xe bus để đến trường. Bản thân tôi có ba và mẹ đều về hưu, nhà cũng không khá giả. Rất rất nhiều bạn bè học ở Ams cũng thế, sao lại gọi trường chuyên là cho con nhà giàu được?

Còn việc cuộc đua của những ông bố bà mẹ, lỗi không nằm ở trường chuyên, mà nằm ở chính các vị phụ huynh. Không ai ép họ phải dồn nén con mình vào cuộc đua đó ngoài chính bản thân họ cả. Lựa chọn con đường phù hợp nhất cho con cái mình không nhất thiết là con đường vào trường chuyên.

Là một cựu học sinh, Ams cho tôi nhiều hơn là 3 năm học. Không phải học sinh Ams nào cũng học giỏi, nhưng họ có cá tính, có nghị lực, có tài năng đặc biệt và những điểm đó được thoải mái bộc lộ ở môi trường Ams.

Thầy cô không ép học sinh vào con đường "chạy đua vũ trang" như kiểu điểm số mà chú trọng trang bị cho học sinh về cách tư duy, phản biện và trình bày ý tưởng bản thân. Đó chính là những giá trị đi theo chúng tôi trong cả cuộc đời.

Chu Phương Anh - học sinh chuyên Toán - Tin khoá 2010-2013: Trường chuyên là nơi bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh

Chu Phương Anh - học sinh chuyên Toán - Tin khoá 2010-2013.  Ảnh: NVCC

Thật ra việc tranh cãi trên không phải chỉ thời gian này mới xảy ra, có những người ngoài nhiều khi chưa hiểu rõ về mô hình trường chuyên Ams cũng có nhiều quan điểm và hiểu lầm. Tôi nghĩ các khoá học sinh cách đây 20 năm với bây giờ cũng có nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau và mô hình học tập và các hoạt động ngoại khoá thời đó với bây giờ cũng khác.

Là một cựu học sinh, trước giờ nghĩ lại tôi chưa bao giờ hối hận vì đã vào Ams mặc dù mình cũng đỗ cả trường chuyên khác nữa. Ams không chỉ dạy tôi kiến thức học đường mà dạy mình rất nhiều kiến thức ngoài xã hội.

Nói chung, tôi không tán thành việc bỏ trường chuyên nói chung và Ams nói riêng. Từ trước đến nay, trường chuyên mở ra như một nơi để bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về một môn học, chuyên môn để phát huy thế mạnh của họ. Trường chuyên khác trường thường ở chỗ chia ra thành nhiều lớp với môn chuyên khác nhau, những học sinh có thế mạnh về môn học nào sẽ xếp chung lớp để được đào tạo sâu hơn.

Trường Chuyên Amsterdam tên gọi nghe tây thế thôi nhưng thực chất vẫn là chuyên công lập, hồi tôi học cả học kì chắc đóng học có vài trăm nghìn cả kì thôi. Tôi nghĩ mọi người cần tìm hiểu kĩ để có nhận định đúng đắn, tránh xảy ra những tranh cãi như thế này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn