MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp giúp các em học sinh chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân. Ảnh: Tuệ Tuệ

Tư vấn tuyển sinh 2022: Chọn sai nghề chính là “vết sẹo” cả đời

Huyên Nguyễn LDO | 07/12/2021 08:43

ThS, Luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhấn mạnh rằng cần chọn ngành học bằng trái tim và sự yêu thích dựa trên điểm mạnh của mình. Bởi chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM Huỳnh Anh Bình chia sẻ thêm, sai nào cũng để lại sẹo nhưng sai nghề chính là “vết sẹo” cả đời.

Đừng để đến 70 tuổi mới biết mình thích gì

Chia sẻ về tầm quan trọng của định hướng nghề nghiệp TS Huỳnh Anh Bình – Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM nhận định đến thời điểm này, khi thời gian nộp hồ sơ thi và tuyển sinh đại học năm 2022 tới gần thì nỗi lo chung của nhiều phụ huynh, học sinh lớp 12 là sẽ chọn ngành, chọn trường như thế nào.

“Phải khẳng định chọn ngành, chọn nghề là việc cực kỳ quan trọng với mỗi người bởi nó gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời. Rất nhiều bạn trẻ hồn nhiên và chưa ý thức được tầm quan trọng của nghề nghiệp.

Khi chọn đúng, bạn được thể hiện năng lực, phát huy khả năng, tố chất của mình. Chọn đúng nghề giúp bạn trở nên có giá trị, đóng góp công sức cho xã hội, cộng đồng. Chọn sai nghề, bạn sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cả chất xám. Đừng để tuổi 70 mới biết mình là ai, mình thích gì”, ông Bình cho hay.

TS Huỳnh Anh Bình khẳng định chọn ngành, chọn nghề là việc cực kỳ quan trọng. Ảnh: Chân Phúc 

TS Bình cũng chia sẻ chính mình cũng đã chọn sai nghề ngay từ thời đại học và sau đó tốn nhiều thời gian công sức, tiền bạc cho bằng tiến sĩ. Trong khi, nghề nghiệp hiện tại của ông cũng không cần đến tấm bằng này.

Về hệ luỵ khi chọn ngành nghề, ông Bình cho hay, nhiều bạn khi chọn sai nghề, bước lên cao đẳng, đi học vui đúng một tuần còn lại bắt đầu ngủ và ngủ đến một lúc nào đó bị nợ môn và đình chỉ học. Khi đi học không hạnh phúc, không nghiêm túc thì đa số tốt nghiệp với bằng trung bình hoặc bỏ học. Đau đớn nhất là mất niềm tin vào bản thân, tâm lí chán nản, lúc đó không có sức mạnh và không làm được gì cả.

“Sai nào cũng để lại sẹo nhưng sai nghề chính là vết sẹo cả cuộc đời các bạn”, ông Bình nói. 

Chọn nghề là chọn tương lai

Nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, ThS, Luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết hằng năm, nhà trường luôn có những khảo sát về chọn ngành học. Trong đó, vẫn còn không ít sinh viên băn khoăn, hoang mang, không cảm thấy hứng thú với ngành nghề mình đang học.

Học sinh THPT mắc phải sai lầm khi chọn nghề như: Coi nhẹ sự lựa chọn nghề nghiệp, chọn nghề không đúng năng lực, tính cách bản thân, đánh giá không đúng ngành học, chọn ngành học theo số đông, chọn nghề theo sự áp đặt của gia đình, rủ rê của bạn bè…. Dẫn đến chất lượng học tập không cao, khi đi làm doanh nghiệp phải đào tạo lại nên sinh viên vừa mất thời gian vừa học đại học, vừa học lại rất tốn kém về tiền bạc, công sức.

“Chỉ có yêu nghề, lành nghề, dù là nghề gì, sự xuất sắc trong nghề là yếu tố quyết định đưa tới thành công. Vì thế, chọn nghề có thể nói là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai”, ông Chung nhấn mạnh.

ThS, Luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: Chân Phúc 

Để chọn đúng nghề, theo ông Chung, học sinh cũng cần bám xu hướng thời cuộc như ngành nghề xuất hiện mới trong cuộc cách mạng 4.0, biến đổi ngành nghề trong đại dịch COVID-19,… Với thế mạnh đào tạo 3 năm của Trường Đại học Gia Định, các em xem xét xu hướng thị trường lao động của 3 năm tới. Ngoài ra, chọn nghề dựa trên yếu tố truyền thống gia đình, đặc điểm địa phương, xác định nơi làm việc sau khi tốt nghiệp

Ông Chung cho biết, khi còn là học sinh lớp 11, các em phải dần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mình muốn theo đuổi. Sau đó ở lớp 12, căn cứ kết quả học tập và điểm số của các môn học xét tuyển để có sự lựa chọn phù hợp. Mọi sự chuẩn bị kỹ lưỡng đều đem đến kết quả tốt nhất.

This browser does not support the video element.

Chuyên gia tư vấn tại chương trình "360 độ nghề nghiệp".

Cách để xác định nghề nghiệp tương lai

Tư vấn thêm về chọn nghề, TS Huỳnh Anh Bình cho biết rất khó có một công thức để chọn đúng nghề, tuy nhiên có một số bước mà thí sinh có thể cân nhắc.

Bước 1: Xác định đúng đam mê. Một trong nhiều sai lầm là các bạn thường đi hỏi người khác về đam mê của mình. Đam mê của các bạn nằm trong hơi thở, nhịp thở và các bạn phải tự trả lời. Đam mê là cái có ý nghĩa và phải kiếm ra được một chút tiền. Ví như bạn hát thì phải có ai nghe không, có ai trả tiền để bạn duy trì cuộc sống không. Đam mê mà thiếu năng lực thì đôi khi lại thành u mê. Để có thành công, mỗi người cần có đam mê + năng lực + nỗ lực.

Bước 2: Đánh giá năng lực bản thân. Năng lực là cái bạn tự tin nhất thể hiện trước đám đông, điểm mạnh của bạn.

Bước 3: Xem xét nhu cầu xã hội.

Bước 4: Xem xét hoàn cảnh của bản thân, gia đình. Có nhiều người phù hợp với đại học nhưng có người thì nên đi học cao đẳng, học nghề. Ngoài ra còn cần chọn trường có mức học phí phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình.

Bước 5: Nỗ lực, tìm kiếm cơ hội phát hiện tiềm năng, va chạm với nghề nghiệp, làm quen và gặp gỡ những người trong lĩnh vực mình yêu thích.

Các chuyên gia tư vấn trong chương trình “360 độ nghề nghiệp”. Ảnh: Chân Phúc

TS Huỳnh Anh Bình hướng dẫn học sinh có thể vận dụng công thức G – P – V trong lựa chọn ngành nghề. Trong đó, G – Gifts tức là tài năng. P – Passion là đam mê. V – Values là giá trị bản thân. Ba từ khóa dành cho mỗi người cũng như là kim chỉ nam để bạn nhận ra được đam mê của bạn, bạn có tài năng gì và xác định được giá trị bản thân bạn. Từ đó bạn có thể tìm ra sự yêu thích của bản thân với ngành nghề nào.

Song song đó, các em có thể tham gia các bài trắc nghiệm để thấu hiểu bản thân, định hướng nghề nghiệp cho mình từ sớm.

Chương trình “360 độ nghề nghiệp” ra mắt để định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT toàn quốc. Vì vậy, các em học sinh, quý phụ huynh có thể gọi về số hotline 0962121018 để nhận những tư vấn từ các chuyên gia định hướng nghề nghiệp.

Ngoài ra, học sinh và phụ huynh toàn quốc có thể gửi những thắc mắc về email: 360donghenghiep@gmail.com, hoặc Fanpage: Chương trình 360 độ nghề nghiệp để nhận những tư vấn kịp thời, giải đáp những thắc mắc, trăn trở.

Học sinh, phụ huynh có thể theo dõi số phát sóng đầu tiên với chủ đề “Chọn ngành, chọn trường thời COVID-19 TẠI ĐÂY.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn