MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tục mùng 3 tết thầy đã dần mai một?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 27/01/2020 18:00

“Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, đã trở thành nét đẹp truyền thống từ lâu đời mỗi dịp Tết đến, xuân về của người Việt. Thế nhưng, nét đẹp mùng 3 tết thầy lâu nay đã dần mai một.

Những ngày Tết đến xuân về, mỗi người Việt luôn nhớ đến công lao sinh thành của cha mẹ, tâm sức dưỡng dục của thầy cô giúp chúng ta lớn khôn nên người.

Từ xưa, ông cha ta đã có quan niệm rằng, ngày đầu xuân là ngày thiêng liêng nhất trong 1 năm, nên “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ” - đó là ngày mà cả gia đình tập trung lại để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để bày tỏ hiếu đạo.

Và sau đó, mùng 3 sẽ là ngày để đi chúc tết thầy cô giáo, bày tỏ sự biết ơn đến những người đã dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, người lái đò đưa mình đến bến bờ của tri thức và sự thành công. Nó gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, "Tôn sư trọng đạo" tốt đẹp của dân tộc ta.

Thế nhưng, kể từ khi ngày 20.11 hằng năm là Ngày Hiến chương các nhà giáo thì “mùng 3 tết thầy” dường như đã chuyển dần sang ngày này.

Cô giáo Phạm Thái Lê (giáo viên môn Ngữ văn, Trường Marie Curie, Hà Nội) cho rằng sự vật không bao giờ là bất biến mà sẽ xoay quanh một trục để vận động. Bởi thế, truyền thống "tôn sư trọng đạo" cũng vậy. Có thời điểm, mọi người đi tết thầy, chúc mừng thầy cô giáo vào ngày mùng 3 Tết, nhưng có giai đoạn sẽ chú trọng ngày 20.11. Tức là tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn luôn luôn còn, chỉ là biểu hiện và cách thức thể hiện tình cảm ấy ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh là có sự thay đổi. 

Theo cô Lê, bất kể dịp nào thuận tiện, phù hợp thì học trò đều có thể đến thăm thầy, cô giáo cũ của mình mà không nhất thiết cứ phải là mùng 3 hay 20.11.

Cô giáo Phạm Thái Lê (giáo viên môn Ngữ văn, Trường Marie Curie, Hà Nội). Ảnh: NV

"Với phương diện là nhà giáo, tôi cho rằng biểu hiện của sự biết ơn không phải chỉ đến thăm, quà cáp hay những biểu hiện cụ thể có thể nhìn thấy được. Tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh mà mỗi người sẽ có cách thức thể hiện khác nhau. Dù hành động như thế nào thì sự yêu thương, kính trọng, ngưỡng mộ không gì có thể thay đổi được. Tình cảm học trò dành cho mình thì mỗi giáo viên đều cảm nhận được. Đôi khi chỉ là lời hỏi thăm, câu chúc cũng làm ấm lòng những người thầy, người cô", cô giáo Phạm Thái Lê bày tỏ.

Cùng quan điểm, nhưng theo thạc sĩ Nguyễn Thị Loan - giáo viên Trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình), nếu duy trì được những ngày lễ cố định cũng sẽ tạo ra những nét văn hoá riêng.

Cô giáo Loan chia sẻ: Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo" - đó là nghĩa cử đẹp và nó sẽ đẹp hơn khi được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng ta rất vui mừng khi mỗi năm hoa đào nở đón xuân về cũng là dịp các thế hệ người Việt trở về đoàn viên bên gia đình để cũng mong muốn những điều mới mẻ may mắn cho năm mới đến với mọi người; tết cha mẹ.

Bên cạnh đó, một nghĩa cử cao đẹp không kém là “mùng 3 tết thầy". Đến thăm thầy cô giáo đã từng dạy mình vào các dịp Tết lễ để tỏ lòng biết ơn, để tình cảm thầy trò đong đầy hơn, góp phần duy trì và làm đẹp hơn truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp bạn bè, thầy trò ôn lại những kỷ niệm đã qua và hỏi thăm nhau về hiện tại. Vui thế - tại sao không duy trì?

Thạc sĩ Loan thẳng thắn nhận định giới trẻ ngày nay thời gian dành cho gia đình cũng hạn chế bởi quay cuồng với việc đi học, đi làm, vui chơi và nhiều hoạt động giải trí khác, vì vậy việc quên mùng 3 tết thầy cũng khó tránh khỏi.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan và học trò. Ảnh: NV

Là một cựu học sinh, sinh viên và cũng là người đang công tác nhiều năm với nghề giáo, cô giáo Loan cho rằng dù xưa hay nay vẫn vậy, món quà không tỉ lệ thuận với tấm lòng của học trò đối với thầy cô, dù theo thời gian, hình thức tết thầy đã có nhiều thay đổi.

Dẫu vậy, đa số học trò đến tết thầy vẫn với cả tấm lòng, ý nghĩ tốt đẹp, trân trọng và biết ơn. Dù thế nào thì chúng ta cũng cần tích cực tuyên truyền giáo dục, duy trì những điều tốt đẹp thuộc về truyền thống của dân tộc trong trường học, vì mỗi phong tục tập quán riêng khẳng định chủ quyền riêng của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn