MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một giờ giảng của giáo viên bậc mầm non. Ảnh minh họa

Tương lai nào cho ngành sư phạm?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 24/03/2018 14:00
Câu chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ, sinh viên ra trường ngành sư phạm không có việc làm vẫn luôn là thường trực lo lắng không chỉ của riêng học sinh yêu thích nghề “gõ đầu trẻ” mà còn là nỗi lo của toàn xã hội. 

Mùa tuyển sinh năm 2018, trước những vấn đề nóng “bùng nổ” liên tiếp thời gian qua như vụ việc giáo viên bị ép quỳ 40 phút, giáo viên bị học sinh bóp cổ ngay tại lớp, hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có nguy cơ mất việc... cùng với quy định học sinh giỏi mới được vào sư phạm càng khiến cho bức tranh tuyển sinh sư phạm trở nên ảm đạm.

Chỉ tuyển thí sinh giỏi vào sư phạm, số lượng đăng ký sẽ thấp

Một trong những điểm đáng chú ý trong tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018 đó là sẽ siết chặt đầu vào. Theo đó, học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào các trường đại học sư phạm. Bộ GDĐT cũng sẽ quy định điểm chuẩn đối với ngành này thay vì để các trường tự xác định.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT: Đây là một trong những quy định đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm. Năm nay, trường sư phạm sẽ có mức điểm chung vì chất lượng người thầy có sự quan tâm hơn và mặt bằng sư phạm nên cao hơn so với các ngành nghề khác.

Có thể số lượng trúng tuyển, đăng ký xét tuyển sẽ ít đi nhưng chúng tôi cũng không sợ thiếu nhân lực. Trong những năm qua, nhân lực cho ngành sư phạm đã khá dồi dào. Trong quá trình tham khảo ý kiến các trường, các ngành thiên về năng khiếu như: Sư phạm Kỹ thuật, Sư phạm nghệ thuật hay Thể dục thể thao… thì có thể ngưỡng đảm bảo chất lượng về các môn văn hóa sẽ phải 
điều chỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT sẽ cùng với các bộ, ban ngành khảo sát nhu cầu sử dụng giảng viên của địa phương, tổng hợp thành nhu cầu toàn quốc trong khoảng 6 năm tới. Điều này để xác định khi các em thi vào năm nay sẽ biết 4 năm sau ra trường nhu cầu tuyển dụng lao động như thế nào. Bộ dự định về quy mô đào tạo ngành sư phạm trong những năm tới trên cơ sở dự tính về dân số, nhu cầu đào tạo. Đồng thời, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được khống chế bằng hoặc thấp hơn nhu cầu tuyển dụng để đảm bảo các em ra trường có tỉ lệ việc làm cao hơn. Những em ra trường chưa có việc làm vẫn có cơ hội để tuyển dụng.

Khi chỉ tiêu tuyển sinh đã căn cứ nhu cầu sử dụng lao động có nghĩa tỉ lệ việc làm sau khi học đảm bảo hơn. Đây cũng là yếu tố thu hút sinh viên giỏi vào trường sư phạm, bà Phụng cho hay.

Trước câu hỏi, nếu giảm chỉ tiêu ngành sư phạm, lượng giảng viên các trường đại học, cao đẳng có nguy cơ mất việc sẽ tăng lên, bà Phụng cho rằng: Với việc khảo sát thị trường, chúng tôi cùng với các trường sư phạm sẽ có được quy hoạch và định hướng phát triển, tuyển sinh của ngành sư phạm; dự tính về quy mô đào tạo trong những năm tới... Trên cơ sở những quy hoạch có tính dài hơi hơn, các trường cũng có những kế hoạch chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp.

Sẽ thiếu nhân lực chất lượng cao?

Trước những lo ngại của học sinh sắp thi vào sư phạm lo ngại khó xin việc, nghề này có nhiều rủi ro, đặc biệt là câu chuyện hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đang gây chú ý thời gian qua, bà Phụng trấn an: Thông tin giáo viên bị thôi việc ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có thể đúng với một địa phương cụ thể về mặt kỹ thuật là khi hết thời gian hợp đồng rồi nhưng vẫn không xin được chỉ tiêu biên chế. Chúng ta hãy có cái nhìn tổng thể chứ không nên từ một địa phương có tình trạng đó mà suy ra toàn quốc đều như vậy, hay vội quy kết mọi sinh viên sư phạm đều ra trường không có việc làm.

Còn TS Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - nhận định: Đúng là trong thời gian qua, ngành sư phạm thất nghiệp nhiều. Tuy nhiên, theo lộ trình đổi mới giáo dục và sắp xếp lại các trường sư phạm thì trong tương lai có thể ngành sư phạm sẽ lại là ngành thu hút nhiều lao động. Đòi hỏi những bạn sinh viên rất giỏi, có trình độ cao để có thể không chỉ dạy 1 môn và còn nhiều môn tích hợp. Vì thế, dự báo khủng hoảng thiếu cho tương lai gần tới về ngành sư phạm. Những bạn yêu thích và đam mê ngành sư phạm thật sự sẽ có cơ hội việc làm.

Lo ngại về những chính sách mới này, TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng việc Bộ GDĐT đưa ra quy định “cứng” về học lực mới được xét tuyển sư phạm là có phần duy ý chí và khó khả thi. Theo TS Khuyến, muốn học sinh giỏi vào sư phạm thì nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp như đối với các trường công an, quân đội thì lúc đó tự nhiên sẽ thu hút được người giỏi, không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào mới tuyển được học sinh khá, giỏi. Nếu vẫn còn tình trạng cử nhân sư phạm ra trường thậm chí thủ khoa thất nghiệp như hiện nay thì việc đặt ra tiêu chuẩn học sinh giỏi vào ngành sư phạm là rất khó khả thi.

Cùng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT - cũng bày tỏ quan điểm: Hiện nay, đánh giá học sinh giỏi chủ yếu dựa vào 2 môn toán - văn, trong khi sư phạm lại đào tạo rất nhiều ngành với nhiều môn học khác nhau nên nếu quy định “cứng” về học lực là chưa ổn.

TS Vinh đề xuất: Thay vào quy định cứng về học lực thì nên xét theo chính môn của ngành đào tạo mà học sinh đăng ký thì phù hợp hơn. Thực tế, việc đánh giá cũng có sự chênh lệch giữa các trường phổ thông nên đưa ra quy định như vậy cũng sẽ nảy sinh những điều chưa hợp lý.

Mặt khác, TS Vinh nhấn mạnh: Bộ GDĐT cần tính toán kỹ nguồn đầu vào của ngành sư phạm, tránh tình trạng đề ra mức điểm sàn quá cao sẽ dẫn tới việc thiếu đầu vào sư phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn