MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mùa tuyển sinh năm 2023-2024, nhiều trường đại học mở thêm ngành đào tạo mới lạ. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuyển sinh 2023: Nhiều trường mở ngành đào tạo mới lạ

Vân Trang LDO | 18/04/2023 19:00

Mùa tuyển sinh 2023, các trường đại học có xu hướng mở thêm các ngành đào tạo mới lạ, bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. 

Nhiều ngành học mới

Mùa tuyển sinh năm 2023-2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển sinh mới một số ngành, chương trình đào tạo như: Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin (hướng ứng dụng); chương trình chất lượng cao ngành Marketing theo định hướng Marketing số (Digital Marketing).

Trường Đại học Thuỷ lợi dự định tuyển sinh 39 ngành và chương trình, trong đó 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn, Trung.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng dự kiến mở một số ngành mới như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

Ở khu vực phía Nam, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM mở 4 ngành mới là Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử và Khoa học dữ liệu.

Năm 2023, tại cơ sở TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế TPHCM có 5 chương trình mới gắn liền với kỷ nguyên số, gồm: Công nghệ tài chính (Fintech);

Công nghệ Marketing (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI, hệ kỹ sư); Kỹ sư công nghệ Logistic (Logtech, hệ kỹ sư).

Tại phân hiệu Vĩnh Long, nhà trường bổ sung 2 chương trình đào tạo mới thuộc lĩnh vực công nghệ là: Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI, hệ kỹ sư). 

Trường Đại học Hoa Sen cũng đào tạo nhiều ngành khá mới lạ như: Kinh tế thể thao, Lập trình thiết kế và kinh doanh game

Với các ngành học này, nhà trường không tập trung đào tạo các huấn luyện viên, cầu thủ mà là ngành đầu tư vào con người và quản trị, vận hành mô hình kinh doanh trong lĩnh vực thể thao.

TS Nguyễn Thị Hiền Thanh, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao Hoa Sen, Trưởng đề án mở ngành Kinh tế thể thao, Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, với ngành Kinh tế thể thao hiện nay, người ta thường chỉ nghĩ đến chơi thể thao. Nhưng thực tế, đây là 1 ngành kinh tế. 

"Thể thao cũng là 1 ngành kinh tế và đây là tiềm năng rất lớn mà chúng ta đang bỏ ngỏ. Nếu chúng ta biết đầu tư đúng và kinh doanh lâu dài thì chắc chắn tiềm lực về thể thao sẽ phát triển" - TS Nguyễn Thị Hiền Thanh chia sẻ. 

Có nên mạo hiểm chọn ngành mới?

Xu hướng mở thêm nhiều ngành nghề mới của các trường đại học được đánh giá là giúp học sinh có thêm nhiều sự lựa chọn, tăng cơ hội trúng tuyển trường mình mong muốn.

Tuy nhiên, không ít người băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi ra trường và liệu có nên "mạo hiểm" đăng ký vào các ngành nghề mới hay không. 

Với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo, tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có nên đăng ký vào bất kể ngành nghề nào, kể cả những ngành nghề mới mở. 

Trước khi đưa ra quyết định, phụ huynh, học sinh cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo mình cân nhắc cung cấp những kiến thức gì, nội dung đào tạo ra sao, kỹ năng đạt được sau 4 năm học, chuẩn đầu ra là gì?

“Không nên chỉ dựa vào tên của ngành đào tạo để lựa chọn. Các em còn cần đọc khung chương trình học của cả 4 năm để hiểu rõ nội hàm, kiến thức được học, thậm chí giảng viên sẽ giảng dạy mình” – cô Hương nói.

Bên cạnh đó, thí sinh cần có sự cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường.

PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng, hiện nay nhiều ngành đang gặp thách thức trước những biến động và sự phát triển của công nghệ. Các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp.

Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, 4 nhóm ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhất là: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật và nhóm ngành Nhân văn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thí sinh nên cân nhắc trước những dịch chuyển của xã hội trong những năm tới và đặc biệt là cơ hội việc làm sau 3, 4 năm học đại học. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn