MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh băn khoăn về việc chọn ngành nghề theo học. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuyển sinh 2023: Những ngành học lương cao, không sợ lỗi thời

Trang Hà LDO | 24/03/2023 17:20
Theo các chuyên gia, trong tương lai những ngành nghề mang tính vận hành sẽ biến mất, chỉ còn lại những ngành tư duy của kiến tạo. Nếu học những nghề mang tính sáng tạo thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm.

Nhiều ngành học có thể "biến mất" trong tương lai

Chọn học nghề hay chọn đại học, có nên theo các ngành hot?  Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra cho các em học sinh trong mùa tuyển sinh đại học năm nay.

Chia sẻ với phóng viên xoay quanh các vấn đề này, ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global cho hay: "Rất nhiều em học sinh băn khoăn về việc học nghề hay học đại học. Trước hết, các em phải phân biệt được bản chất học nghề là họ đi làm một việc cụ thể, như đi sửa xe máy, sửa ti vi. Còn học đại học khác là học một phương pháp luận để giải quyết một vấn đề, có tính hàn lâm nhưng bài bản hơn. Các em hãy tự đánh giá năng lực bản thân, sở thích, kinh tế gia đình... để có lựa chọn thích hợp".

Vậy, thí sinh có nên chạy theo ngành hot không? Ông Tuấn đưa ra lời khuyên: "Thường chúng ta không có dự báo sâu mà chỉ nhìn xung quanh thấy người nọ, người kia kiếm được tiền là lao vào ngành đó học và coi đó là ngành hot. Tuy nhiên điều đó không phải.

Theo góc nhìn của tôi, không có ngành nào hot cả. Tôi không khuyến khích chạy theo nghề hot, vì không có một nghề nào hot theo một chu kỳ dài. Chỉ có người hot – giỏi trong lĩnh vực đó thì đi đâu cũng được đón nhận".

Ông Ngô Minh Tuấn tư vấn chọn ngành nghề cho thí sinh. Ảnh: Trang Hà

Trước tình trạng hiện nay nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng vì thông tin một số ngành nghề sẽ biến mất trong tương lai, ông Tuấn cho biết: "Về căn bản, những nghề sơ khai mang tính lặp đi lặp lại, không mang tính ứng dụng của cảm xúc con người thì sau này Robot sẽ làm hết. Ví dụ như lĩnh vực: Ngân hàng, bán hàng, chạy quảng cáo, cung cấp dữ liệu… thậm chí kế toán. Hệ thống máy móc, phần mềm làm hết, con người chỉ nhập số liệu vào. 

Vấn đề là chúng ta nhìn nhận sau bao nhiêu năm nữa thôi, chỉ khoảng sau 30 năm những ngành nghề mang tính vận hành sẽ biến mất, chỉ còn lại những ngành tư duy của kiến tạo. Nếu các em học nghề thì nên học những nghề mang tính sáng tạo thì sẽ tồn tại được. Còn nếu chỉ học những nghề mang tính lặp đi lặp lại thì nghề đó có nguy cơ biến mất trong tương lai gần".

Có nên chạy theo ngành hot?

Dành lời khuyên cho học sinh khi chọn ngành nghề, Ths Phạm Văn Minh, Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Nguyễn Trãi cho rằng: "Khi lựa chọn nghề nghiệp, học sinh cần căn cứ vào 4 yếu tố. Trong đó, đầu tiên các em cần lựa chọn ngành nghề mình yêu thích, chỉ khi yêu thích các em mới có động lực, hứng thú, dành trọn thời gian, công sức để làm. Với những công việc không yêu thích sẽ dễ rơi vào trạng thái làm đối phó, làm cho xong.

Ngoài ra, đó phải là ngành xã hội cần. Ngoài yếu tố yêu thích, giỏi, xã hội cần, thì xã hội còn cần sẵn sàng trả tiền cho các em nếu theo đuổi ngành nghề đó. Một học sinh lựa chọn ngành nghề để theo đuổi trong tương lai ít nhất cần tổng hợp cả 4 yếu tố này, nếu làm được như vậy chắc chắn các em sẽ gắn bó và phát triển với nghề".

Đồng quan điểm, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng tâm lý trọng bằng cấp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nặng nề. Qua quá trình tư vấn tuyển sinh, có thể thấy hầu như phụ huynh nào cũng muốn con tốt nghiệp THPT rồi đỗ vào một trường đại học nào đó.

Theo TS Ngọc: "Có nhiều em có đặt câu hỏi cho các thầy cô khi tư vấn tuyển sinh rằng em muốn chọn ngành "hot" nhưng lại sợ không đủ năng lực. Nếu chọn những ngành khác lại sợ mất cơ hội vào những ngành đang rất hấp dẫn kia. Thực tế rằng một đất nước phát triển, bất cứ ngành nghề nào cũng cần thiết và có sự gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhau.

Bên cạnh đó, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà robot và trí tuệ nhân tạo có thể khiến một số ngành nghề ở hiện tại có nguy cơ giảm dần và biến mất. Do đó, không thể nói ngành nào "hot" hay không "hot". Các em nên căn cứ vào những điều kiện thực tế như lực học, sở trường, sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội với các ngành nghề để đưa ra sự lựa chọn, tránh tâm lý chạy theo đám đông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn