MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham khảo ngành nghề tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Vân Trang

Tuyển sinh 2024 - Thí sinh đắn đo chặng đua nước rút

Thanh Hằng LDO | 23/03/2024 07:13

Trên chặng đua nước rút thi vào đại học, nhiều thí sinh bày tỏ sự băn khoăn khi lựa chọn ngành học, lo lắng về khả năng đỗ do các trường thay đổi cách thức xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Lo lắng, mất tự tin

Kỳ tuyển sinh đại học 2024, các trường đại học có xu hướng mở thêm ngành nghề đào tạo mới theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, có tính xu thế và hội nhập quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của thị trường.

Đây là tin mừng với nhiều thí sinh bởi các em có thêm sự lựa chọn, mở rộng cánh cửa vào đại học. Tuy nhiên, điều này cũng khiến thí sinh thêm băn khoăn, đắn đo trong lựa chọn ngành nghề. Các sĩ tử lo lắng nếu mạo hiểm đăng ký vào ngành học mới, cơ hội phát triển và nhu cầu việc làm sau khi ra trường sẽ như thế nào?

Đắn đo trong lựa chọn ngành học, em Nguyễn Tiến Minh - học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) - cho biết, việc lựa chọn và đưa ra quyết định học ngành gì với em là điều không hề dễ dàng. Bởi ngoài sở thích em còn phải xem xét nhiều khía cạnh khác như năng lực, học phí, cơ hội việc làm...

“Việc xuất hiện nhiều ngành học mới càng khiến bản thân em mông lung, vì không biết mình muốn học gì, làm gì trong tương lai. Đồng thời sự cạnh tranh vào các ngành đang hot cũng khiến em cảm thấy băn khoăn, lo lắng và mất tự tin" - Tiến Minh bộc bạch.

Cùng nỗi lo, em Hoàng Minh Đức - học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu năm học lớp 12, em đã phân vân và lo lắng trong vấn đề chọn ngành học bởi năm nay là năm cuối tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục 2006 nên em khá áp lực trong việc sắp xếp các nguyện vọng của mình sao cho hợp lý và có tỉ lệ đỗ cao nhất".

Bên cạnh đó, nam sinh cũng bày tỏ sự lo lắng khi các trường đại học đổi mới về tiêu chí xét tuyển trong tuyển sinh. Minh Đức sợ rằng, nếu năm nay không thi đậu thì các năm sau khả năng đỗ sẽ càng thấp bởi sự khác biệt về chương trình học.

Xác định rõ mục tiêu, tránh chạy theo các ngành hot

Dành lời khuyên cho thí sinh trong vấn đề lựa chọn ngành học phù hợp, TS Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện là thành viên Ban Tuyển sinh của nhà trường - cho rằng, trước tiên thí sinh cần tìm hiểu và nắm rõ 3 chữ "H" rất quan trọng. Đó là: Hiểu bản thân, hiểu về ngành nghề muốn lựa chọn, hiểu về trường đại học mình yêu thích.

“Ba chữ H này có vai trò rất quan trọng, giúp các em định hướng ngành học và cơ sở đào tạo phù hợp với năng lực cá nhân. Thực tế, nhiều thí sinh còn đang mông lung, băn khoăn trước các ngã rẽ chọn ngành. Các em không biết bản thân thích gì, đam mê gì, thậm chí chọn ngành dựa trên độ hot và đám đông.

Thí sinh cần hiểu rõ hoàn cảnh, năng lực của mình, sở thích, đam mê và khát vọng, từ đó mới có động lực phấn đấu. Các em nên lựa chọn ngành học đúng với năng lực sở thích bản thân, lựa chọn cơ sở đào tạo có thế mạnh và uy tín về ngành học đó, đồng thời đánh giá tiềm năng phát triển trong tương lai và cơ hội việc làm sau này.

Cần đặt mục tiêu và lập kế hoạch cụ thể, trong đó có mục tiêu rõ ràng về điểm số mình đạt được và ngôi trường mình muốn thi vào ngay từ đầu năm học. Từ đó xây dựng lộ trình học tập, rèn luyện, điều này khiến các em thấy được sự tiến bộ của mình hằng ngày, làm động lực cho giai đoạn tiếp theo và không bị quá áp lực" - TS Nhiên đưa ra lời khuyên.
Trong giai đoạn nước rút, thay vì cố gắng tận dụng thời gian để học nhiều hơn, TS Nguyễn Duy Nhiên khuyên rằng, thí sinh nên cân bằng giữa thời gian ôn tập và nghỉ ngơi. Bởi tâm lý lo lắng, căng thẳng kéo dài vừa khiến não bộ hoạt động kém, không thể tiếp thu kiến thức, vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thí sinh trước khi bước vào kỳ thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn