MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2020 sẽ có thêm nhiều ngành học mới để thí sinh lựa chọn. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuyển sinh đại học 2020: Xuất hiện hàng loạt ngành mới

Đặng Chung LDO | 05/01/2020 15:33

Mùa tuyển sinh 2020 bắt đầu sôi động với việc các trường đại học lần lượt công bố đề án, phương thức tuyển sinh. Bên cạnh việc xuất hiện nhiều ngành học mới, thì nhóm ngành liên quan đến công nghệ thông tin dự báo sẽ tiếp tục có sức hút trong mùa tuyển sinh năm nay.

Hút thí sinh bằng ngành học mới

Những ngày qua hàng loạt trường đại học- cao đẳng trên cả nước công bố phương án tuyển sinh dự kiến cho năm 2020. Một điều đặc biệt là các trường đua nhau mở ngành mới. Việc này đến từ cơ chế mở rộng quyền tự chủ của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, với quy định các trường được tự chủ trong việc mở ngành.

Theo khảo sát của phóng viên, trung bình mỗi trường mở thêm 2-3 ngành, có trường mở hơn chục ngành mới. Trong đó, nhóm ngành được mở nhiều nhất là liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trong kế hoạch tuyển sinh dự kiến năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu. Năm nay đại học này dự kiến mở thêm 17 ngành học mới cho các đơn vị thành viên, như khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học, quản lý phát triển đô thị và bất động sản, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường, kinh tế phát triển…

Trường Đại học Bách khoa TPHCM thì dự kiến mở thêm 5 chương trình mới ở hệ chất lượng cao: Kỹ thuật hàng không, kỹ thuật y sinh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử (chuyên ngành kỹ thuật robot) và khoa học máy tính (tiếng Nhật).

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm: Kỹ thuật phần mềm; Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu; Quan hệ quốc tế và Kinh doanh quốc tế.

Năm 2020 xuất hiện thêm ngành IoT để cung cấp nhân lực cho thị trường.

Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM mở thêm ngành có tên “Hệ thống nhúng và IoT” (Internet of Things). Theo giải thích của lãnh đạo nhà trường, mạng lưới thiết bị kết nối Internet là thuật ngữ phổ biến trong những năm gần đây và được xem là chìa khoá mở cánh cửa công nghệ tương lai. Tất cả thiết bị hiện nay không còn là thiết bị điện đơn giản như xưa mà đều kết nối internet.

Vì điều này, IoT là một trong những chuyên ngành có tính ứng dụng cao và sẽ có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế số mọi quốc gia. Nhu cầu nhân lực lĩnh vực này khá lớn nên trường quyết định mở ngành để đào tạo người thiết kế, chế tạo các thiết bị này.

Đào tạo không gắn với nhu cầu, trường tự hạ thấp mình

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, năm 2020, có 8 nhóm ngành nghề dự kiến sẽ thu hút nhiều nhân lực. Đứng đầu là ngành Công nghệ thông tin - Điện tử; tiếp đó là Cơ khí - Tự động hóa; Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn…  Đón đầu xu thế này, nhiều trường đại học đã mở thêm ngành đào tạo liên quan đến công nghệ. Việc này cũng xuất phát từ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc các trường ồ ạt mở ngành mới cũng dẫn đến những lo ngại việc có quá nhiều trường đua nhau mở một vài ngành “hot” sẽ dẫn tới thị trường nhân lực bị bão hòa. Cộng với  tâm lý đám đông khiến nhiều phụ huynh muốn cho con học những ngành dễ xin việc mà quên rằng sau thời gian phát triển thì sẽ có hiện tượng chững lại, thậm chí rơi vào cảnh “thiếu đầu vào, thừa đầu ra”.

Nêu quan điểm về việc các trường ồ ạt mở ngành mới, PGS-TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, mỗi trường cần phải có tầm nhìn, chiến lược riêng và phải xây dựng cho mình một phân khúc về đào tạo, chất lượng khác nhau mới có thể cạnh tranh lành mạnh và phát triển.

Nếu một trường nào đó mở một ngành mà trường nào cũng mở được, chất lượng không hơn những trường khác, rõ ràng sẽ bị cạnh tranh rất lớn. Ngoài ra, hiện nay tiêu chí sinh viên có việc làm được thí sinh và xã hội quan tâm. Nếu mở ngành mới và đào tạo không gắn với thị trường, sinh viên không có việc làm, các trường sẽ tự hạ thấp uy tín của mình.

“Trong thời gian qua, các trường được tự chủ, mở ngành tương đối rộng rãi và đây là xu hướng tất yếu. Việc mở các ngành nghề đào tạo mới trước hết phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, người sử dụng lao động, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng những chuẩn tối thiểu theo quy định của Nhà nước và thông lệ quốc tế” - PGS-TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn