MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuyển sinh đại học 2023: Đổi mới để đảm bảo công bằng

Hà Vân LDO | 04/03/2023 06:24

Công tác tuyển sinh năm 2023 được nhận định về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1, tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh. 

Rút ngắn thời gian tuyển sinh, giảm điểm ưu tiên

Tại Hội nghị Tuyển sinh năm 2023 tổ chức sáng 3.3, PGS-TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - đánh giá, công tác tuyển sinh năm 2022 diễn ra thuận lợi. Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 đạt 83,39% (cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020); trong số 330 cơ sở đào tạo có 194 cơ sở có tỉ lệ nhập học đạt trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.

Bà Thuỷ thông tin, phương án tuyển sinh năm 2023 cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1, tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh, bổ sung chức năng để các cơ sở đào tạo cập nhật kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (nếu có) lên hệ thống. Các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển, giảm thiểu tối đa việc phải tổ chức xét tuyển sớm.

Từ năm 2023, chính sách điểm ưu tiên sẽ có hiệu lực trong đó điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp.

Giải pháp đảm bảo công bằng trong tuyển sinh

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, việc tổ chức kỳ tuyển sinh thuận lợi, tin cậy, công bằng và minh bạch là nhiệm vụ quan trọng và trách nhiệm của bộ cũng như các trường Đại học, Cao đẳng.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thừa nhận, những mùa tuyển sinh vừa qua có hiện tượng “nhiễu thông tin” do có quá nhiều phương thức tuyển sinh, chưa có sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Kết quả so sánh giữa điểm của những em trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy có sự chênh lệch, có tổ hợp xét tuyển chênh lệch đến 1-3 điểm.

Đồng quan điểm về việc cần đảm bảo công bằng trong tuyển sinh, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng - Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố sớm số liệu có tính chất đối sánh để giúp các trường khi xét tuyển bằng điểm học bạ hay điểm thi tốt nghiệp THPT thì biết được độ tin cậy của từng phương thức. Đặc biệt có giải pháp để tránh việc một số trường phổ thông cho điểm học bạ khó trong khi có trường lại cho điểm rất dễ, các trường đại học sẽ không biết dựa trên cơ sở nào để tuyển sinh.

Còn theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM - tất cả phương thức tuyển sinh đều nhằm phục vụ nhu cầu của người học, nhưng nếu có quá nhiều phương thức xét tuyển (trên 10 phương thức) thì sẽ gây rối cho các em học sinh, Ông cho rằng, điều này là không nên và kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có khuyến cáo với các trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh.

Để đảm bảo công tác tuyển sinh 2023 diễn ra thuận lợi, PGS-TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng - đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm mở cổng đăng ký tuyển sinh năm 2023 đồng thời sớm công bố danh mục các trường THPT, khu vực ưu tiên năm 2023 để các trường xét tuyển sớm có cơ sở để cộng điểm, sớm ban hành danh mục ngành thí điểm để các trường chủ động trong công tác tuyển sinh.

Đặc biệt, bộ cần tiếp tục rà soát, cải tiến phần mềm đăng ký xét tuyển để khắc phục sự cố đã xảy ra trong năm 2022 như thí sinh xét tuyển sớm nhưng vẫn không đăng ký nguyện vọng, đã trúng tuyển nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển...

Lần đầu tiên thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển đại học theo mã ngành

Để giảm thiểu sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh khi xét tuyển đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến từ mùa tuyển sinh năm 2023, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo mã ngành, không cần đăng ký theo phương thức xét tuyển. 

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - năm 2023 các thí sinh cần đặc biệt lưu ý nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh do các trường công bố để nắm được quy trình và phương thức xét tuyển của các trường. Ngoài ra, các thí sinh cần lưu ý năm nay là năm đầu tiên áp dụng quy định mới về điểm ưu tiên và thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo ngành chứ không đăng ký xét tuyển theo phương thức như các năm trước. Trong một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, năm ngoái có nhiều thí sinh đăng ký nhầm phương thức, dẫn đến việc không được công nhận trúng tuyển. Để tạo thuận lợi cho thí sinh, năm nay, thí sinh chỉ cần đăng ký vào ngành yêu thích, mong muốn, còn lại phần mềm sẽ hỗ trợ thí sinh để có được kết quả tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn