MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tư vấn tuyển sinh vào các trường đại học năm 2022 tại TPHCM. Ảnh: H.N

Tuyển sinh đại học: Điểm chuẩn biến động sau 3 ngày “lọc ảo”

Huyên Nguyễn - Thiều Trang LDO | 13/09/2022 07:32
Sau 3 ngày tiến hành “lọc ảo” trong tuyển sinh đại học, hai nhóm lọc ảo khu vực phía Bắc (do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì) và phía Nam (do Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì) đang cùng tiến hành lọc ảo song song với quy trình lọc ảo 6 lần của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau 3 ngày lọc ảo, đại diện nhiều trường đại học dự báo điểm chuẩn sẽ biến động tùy từng ngành so với năm 2021, đặc biệt các ngành “hot” điểm chuẩn sẽ tăng.

Các trường ĐH phía Nam cơ bản có mức điểm chuẩn

Khi nhận kết quả lọc ảo lần thứ 3, đại diện nhiều trường đại học phía Nam nhận định, mức điểm chuẩn đã cơ bản được xác định khi hầu hết các trường chỉ đang có điều chỉnh nhẹ.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - cho biết, sau lần lọc ảo thứ 3, điểm chuẩn dự kiến của một số ngành tăng nhẹ so với năm 2021.

Trong đó, ngành tăng nhiều nhất là ngành Tự động hóa, có thể tăng từ 18 điểm lên 20 điểm. Các ngành thuộc nhóm Kinh tế và Du lịch tăng khoảng 0,5 điểm, cụ thể ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Marketing... với khoảng điểm dự kiến trúng tuyển năm 2022 từ 22 - 24. Đặc biệt là các ngành như Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm… thì giảm điểm hơn năm ngoái khoảng 0,5 điểm. Còn các ngành như Điện tử, Cơ khí, Luật kinh tế, Công nghệ may... thì vẫn giữ nguyên điểm của năm 2021, tức điểm chuẩn khoảng 17 - 22 điểm.

“Đây là lần lọc ảo thứ 3 của Bộ GDĐT nên điểm số sẽ còn tiếp tục thay đổi, hy vọng là lần lọc ảo thứ 4 thì sẽ ổn định hơn” - ông Sơn cho hay.

Còn ThS.LS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho hay, lần lọc ảo thứ 3 của trường gần như không có sự thay đổi nào. Ông Chung nhận định quy trình lọc ảo hiện diễn ra suôn sẻ theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT.

“Lần lọc ảo đầu tiên thì có nhiều biến động nhưng đến lần thứ 2, thứ 3 thì mức điểm chuẩn, số lượng trúng tuyển chỉ biến động nhẹ. Theo tôi, các trường cơ bản cũng đã đưa ra được mức điểm chuẩn năm nay. Ở lần lọc ảo thứ 4, thứ 5 thì gần như sẽ sát với điểm chuẩn cuối cùng” - ông Chung cho hay.

Về phía Trường Đại học Gia Định, Phó Hiệu trưởng cho hay, điểm chuẩn ở hầu hết các ngành đều tăng so với năm 2021, biên độ dao động khoảng từ 1-1,5 điểm.

Trao đổi với Lao Động, ThS Ngô Trí Dũng - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - cho biết, dự kiến mức điểm chuẩn năm nay cơ bản không biến động nhiều so với năm 2021.

So với điểm sàn được nhà trường công bố trước đó thì điểm chuẩn một số ngành sẽ tăng từ 0,25 đến 1,5 điểm. Một số ngành tại trường thu hút lượng lớn hồ sơ thí sinh quan tâm như: Khối ngành Sức khoẻ, Tài chính ngân hàng, Luật kinh tế, Quan hệ quốc tế, Truyền thông đa phương tiện, Hàn Quốc học…

“Qua quá trình lọc ảo, bên cạnh những ngành vượt chỉ tiêu cũng có một số ngành chưa đủ chỉ tiêu, vì thế, nhà trường dự kiến sẽ vẫn mở đợt tuyển sinh bổ sung” - ông Dũng chia sẻ thêm.

Dự báo điểm chuẩn các ngành “hot” tăng

Tại khu vực phía Bắc, đại diện một số trường đại học dự báo điểm chuẩn sẽ biến động tăng, giảm tùy từng ngành so với năm 2021. Đặc biệt, điểm chuẩn các ngành “hot”, được nhiều thí sinh quan tâm sẽ tăng.

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Phi Long - Trưởng Phòng đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho hay, các công đoạn trong quy trình lọc ảo diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Sau 3 lần lọc ảo xét tuyển toàn quốc, điểm chuẩn dự kiến biến động tăng, giảm tùy ngành.

“Trong quá trình lọc ảo, căn cứ vào lượng thí sinh đăng ký, có những ngành chúng tôi đưa ra mức điểm chuẩn bằng điểm sàn, có những ngành để cao hơn điểm sàn. Các phiên lọc ảo sau dự kiến tăng dần điểm chuẩn để xem xét tình hình” - TS Long nói.

Trưởng Phòng đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam dự đoán, một số ngành “hot” như: Truyền thông đa phương tiện, Quản trị kinh doanh có thể tăng nhẹ. Ngoài ra, điểm chuẩn một số ngành mang tính chất nền tảng đặc thù sẽ không có nhiều biến động.

“Năm nay trường có gần 9.000 nguyện vọng, thí sinh đăng ký vào các ngành không đồng đều dẫn đến điểm chuẩn sẽ biến động tăng, giảm tùy ngành.

Hiện nay, giới trẻ thích những ngành năng động, có thể trải nghiệm thực hành luôn trong quá trình học hoặc kiếm thêm thu nhập. Ví dụ các ngành liên quan tới truyền thông, du lịch, quản trị kinh doanh. Những ngành mang tính hàn lâm, nghiên cứu sẽ kén người học hơn. Do vậy sẽ có sự chênh lệch điểm, biến động tăng, giảm giữa các ngành” - TS Long cho biết.

Tại Trường Đại học Hồng Đức, PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường dự đoán, điểm chuẩn năm 2022 nói chung có tăng nhưng không tăng mạnh. Còn một số ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao nói riêng, điểm chuẩn sẽ cao vì chỉ tiêu ít.

PGS Huyền cũng cho biết, mùa tuyển sinh 2022 khó có ngành lấy điểm chuẩn 30 điểm/3 môn. Lý do là, số điểm nhiều thí sinh đạt được dao động trong khoảng 17-25 điểm, số thí sinh đạt trên 25 không nhiều như năm ngoái. Bên cạnh đó, nhà trường cũng kiểm soát cơ chế cộng điểm. Vì vậy, năm nay sẽ khó có ngành học điểm chuẩn đạt ngưỡng tuyệt đối.

Theo kế hoạch đã được Bộ GDĐT công bố, từ 4.9 đến 17h ngày 15.9, cơ sở đào tạo (các trường đại học và các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non) tải dữ liệu, thông tin xét tuyển trên hệ thống, tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Đồng thời, trong thời gian này, Bộ GDĐT tổ chức lọc ảo giúp các trường.

Trước 17h ngày 17.9, các cơ sở đào tạo công bố điểm chuẩn trúng tuyển và kết quả xét tuyển năm 2022.

Trước 17h ngày 30.9, tất cả thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn