MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuyển sinh đại học: Nên chọn ngành trước khi chọn trường

Vân Trang LDO | 19/03/2023 12:48

Theo các chuyên gia tuyển sinh, học sinh hãy lựa chọn ngành dựa trên sở thích, sở trường, năng lực bản thân và nhu cầu xã hội, tiếp đó mới chọn trường phù hợp.

3 yếu tố quan trọng trong chọn ngành nghề

Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, nhiều học sinh không khỏi lo lắng và bối rối trong việc tìm ra được ngành nghề phù hợp.

Dành lời khuyên cho thí sinh, phụ huynh, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương - cho rằng, có 3 yếu tố cần đặc biệt lưu ý trong quá trình chọn ngành, chọn nghề. 

Yếu tố đầu tiên là năng lực. Mỗi học sinh cần hiểu rõ năng lực của bản thân dựa vào quá trình tham vấn ý kiến giáo viên chủ nhiệm, chuyên gia. Khi khả năng và thế mạnh được áp dụng vào đúng lúc đúng chỗ sẽ tạo ra cơ hội phát triển và mức thu nhập hấp dẫn.

Yếu tố thứ 2 thí sinh cần quan tâm, tìm hiểu liên quan đến nguồn nhân lực.

"Các em cần tìm hiểu thông tin về nguồn nhân lực trong tương lai, sắp tới ngành đó có dư thừa, thiếu hụt nhân lực không. Trong cùng 1 ngành, sẽ có những vị trí nhân lực giảm và ngược lại, có những vị trí thiếu hụt nhân lực trong tương lai. Do đó, các em nên tỉnh táo lựa chọn ngành nghề phù hợp" - PGS.TS Vũ Thị Hiền chia sẻ.

Yếu tố thứ 3 là sở thích, đam mê. Chuyên gia này cho rằng, ngành nào cũng có những khó khăn nhất định. Vì vậy, cần phải có đam mê mới có thể đi đến cùng.

"Năng lực tài chính của gia đình cũng là yếu tố các em cần lưu ý để lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố cân nhắc, không nên để tài chính hạn chế niềm đam mê. Hiện nay, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các trường có rất nhiều gói học bổng... Các em có thể tham khảo" - PGS.TS Vũ Thị Hiền chia sẻ.

Chọn ngành trước khi chọn nghề

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - cho hay, tâm lý của hầu hết thí sinh khi chọn ngành đào tạo đều mong muốn sau khi tốt nghiệp có thể được làm 1 công việc vừa phải, không vất vả quá.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT. Ảnh: Thu Phương 

Nguyên nhân có thể là bởi khả năng chấp nhận rủi ro của thế hệ trẻ ngày nay khác với những thế hệ trước đó. Chính vì vậy, các sinh viên đều mong muốn đầu ra có thể tìm được 1 công việc có thu nhập cao, có hình ảnh đẹp, làm việc nhẹ nhàng.

Với 25 năm trong kinh nghiệm với nghề giáo trong lĩnh vực giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định, cần phải chọn ngành trước.

"Khi đã xác định được ngành nghề mà chúng ta sẽ theo đuổi, cống hiến, tâm huyết với nó thì sẽ tạo ra được động lực để thực hiện ước muốn. Tiếp theo sau đó mới lựa chọn trường phù hợp trong các trường đào tạo ngành nghề đó" - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ nói. 

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, ngành đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình con người trong tương lai. Danh tiếng và uy tín của ngôi trường cũng đóng vai trò quan trọng. Bằng đại học sẽ đi theo con người đến suốt cả cuộc đời. Nó là nền tảng để học tập và trau dồi những kỹ năng, phương pháp để học tập ở những cấp bậc cao hơn.

Đối những thí sinh yêu thích một ngôi trường nào đó mà bắt buộc phải vào trường đó chứ không vào trường khác, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ khuyên các em nên chọn những nhóm ngành nghề tương đối gần nhau.

"Ví dụ, thí sinh xác định theo đuổi ngành kinh tế luật thì chọn những nhóm ngành có liên quan đến đó. Không nên vừa chọn cả Sư phạm, Công nghệ, Kinh tế. Vì như thế là chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai" - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn