MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh chờ rút hồ sơ tại Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: Thế Anh - Đặng Chung

Tuyển sinh lớp 10 “rối như canh hẹ”: Trách nhiệm Sở GDĐT Hà Nội đến đâu?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 09/07/2018 19:00
Xung quanh những lùm xùm về tuyển sinh lớp 10 tại một số trường ngoài công lập ở Hà Nội, một phần nguyên nhân cực kỳ quan trọng nằm ở trách nhiệm của Sở GDĐT Hà Nội.

Số lượng học sinh tuổi "Dê vàng" 2003 thi tuyển vào lớp 10 năm nay tăng đột biến, đó là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là cả nước tuyển sinh bình yên và trật tự, chỉ riêng Hà Nội được miêu tả là "bấn loạn", "chụp giật", “phản giáo dục”...? Một số nguyên nhân được chỉ ra xuất phát từ trách nhiệm của Sở GDĐT Hà Nội.

Lâu công bố điểm chuẩn

Nhiều người lên tiếng cho rằng, việc Sở GDĐT quy định thời gian công bố điểm chuẩn quá lâu… đã gây lo lắng và căng thẳng cho hàng trăm nghìn thí sinh và phụ huynh. 

Thêm vào đó, mặt bằng điểm của thí sinh được đánh giá thấp hơn năm trước khiến phần đông các gia đình không dám tự tin là con mình đủ điểm đỗ. Do vậy, lựa chọn số 1 là giữ chỗ tại một trường ngoài công lập.

Không công bố phổ điểm

Không công bố điểm chuẩn sớm hơn, chí ít nếu có phổ điểm, phụ huynh cũng sẽ có nhiều cơ sở để đợi chờ. Cha mẹ học sinh sẽ biết điểm con mình đang ở đâu, mặt bằng chung thế nào... để  từ đó có lựa chọn phù hợp. Tất nhiên, hiện không có quy định nào yêu cầu phải công bố phổ điểm thi nhưng đã có nơi chủ động thực hiện và đem lại hiệu quả tốt.

Trong bối cảnh như vậy, việc các bậc cha mẹ học sinh lo lắng bất an, chạy đôn chạy đáo là điều hoàn toàn có thể đoán trước được.

Hạ điểm chuẩn

Cú hạ điểm chuẩn và tuyển bổ sung tại 35 trường công lập (chưa kể trường chuyên và hệ song bằng) tạo nên một cuộc đua rút - nộp hồ sơ. Đáng nói, mọi dữ liệu (điểm thi, số lượng đăng kí, nguyện vọng) đều do Sở GDĐT Hà Nội quản lý, vậy mà có việc hạ điểm chuẩn 29 trường và tuyển bổ sung nguyện vọng 3 tại 8 trường thì cũng cần xem xét lại việc xét duyệt điểm chuẩn.

Trái ngược, trường ngoài công lập không hề có dữ liệu nào thế mới có chuyện các trường không dám đặt điểm chuẩn vì sợ “vỡ trận”. Thế mới có chuyện, các trường phải ra quy định “ưu tiên nộp hồ sơ sớm” hay “dừng nhận hồ sơ đến lúc đủ chỉ tiêu”. Đặc biệt là khoản “phí giữ chỗ” đang gây nên nhiều tranh cãi.

Thời gian nhập học ngắn

Đây cũng là nguyên nhân khiến phụ huynh “cuống cuồng” đi rút, nộp hồ sơ vì sợ chậm chân là mất chỗ. Cha mẹ học sinh ở TPHCM có 22 ngày để nộp hồ sơ nhập học cho con còn ở Hà Nội là 3 ngày. Thời gian dài giúp phụ huynh ở TPHCM có thêm thời gian lựa chọn trường phù hợp, cũng như giảm áp lực, căng thẳng trong việc chuẩn bị hồ sơ, rút hồ sơ đã nộp.

Ai cũng khổ?

Trong vụ việc này, Sở GDĐT, phụ huynh, một bộ phận công luận lên tiếng đòi các trường phải “nhân văn”, thế nhưng, chưa ai nói nỗi khổ của các trường ngoài công lập. Lãnh đạo một trường ngoài công lập cho rằng phụ huynh khổ 1 thì các trường phải khổ 4, 5 lần. Các trường chịu đủ mọi sức ép từ: Phụ huynh, Sở GDĐT, Hội đồng quản trị, xã hội và cả sức ép tìm đủ học sinh để có thể không bị “vỡ” trường.

Giấy báo ghi danh năm học 2018 - 2019 của Trường THCS-THPT Lý Thái Tổ. Ảnh: Theo Vietnammoi.

Mùa tuyển sinh năm nay qua đi, theo thông tin của PV, có trường ngoài công lập mất gần 200 học sinh, tương đương 7 lớp, trường ít cũng khoảng 50-70 hồ sơ, tương đương 2 lớp. Vậy đã một ai cho họ kế sách để có thể đảm bảo quyền lợi cho họ, trong khi tất cả chi phí để duy trì trường đều phụ thuộc vào tuyển sinh?

Chưa kể, không ít học sinh và cha mẹ thực sự muốn đến với các trường này đã bị “cướp mất” cơ hội từ những người đã đến trước đó.

Ở đây, thực tế, dư luận cần phải nhìn nhận khách quan nỗi khổ của cả phụ huynh và nhà trường để cùng tìm ra hướng giải quyết tốt nhất chứ không phải là liên tiếp “tố” nhau.

“Chỉ mặt đặt tên” một số ít trường

Đây cũng là nguyên nhân được cho là khiến các trường “trái lệnh” Sở. Thực tế, việc thu phí “giữ chỗ” và tuyển sinh sớm không chỉ diễn ra ở 2 trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu và THCS-THPT Lương Thế Vinh mà diễn ra ở hầu hết các trường ngoài công lập, thậm chí còn sớm hơn cả tháng. Vì thế, một số trường thẳng thắn trả lời: Văn bản của Sở GDĐT Hà Nội gửi cho Trường Lương Thế Vinh và Tạ Quang Bửu, tức là chỉ gửi cho 2 trường phải trả tiền chứ không phải trường nào cũng phải trả.

Còn ngược lại, đại diện trường bị Sở GDĐT “tuýt còi” thì lại nói: “Trường nào chẳng thu sớm, trường nào chẳng thu phí giữ chỗ và giao kèo sẽ không trả lại, tại sao Sở GDĐT chỉ “túm tóc” 2 trường? Nếu Sở cho rằng không nhận được phản ánh thì trách nhiệm quản lý của Sở GDĐT ở đâu? Không thể cứ có “cháy” mới đến kiểm tra được”.

Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cũng tuyên bố sẽ chỉ trả lại tiền nếu các trường khác cũng phải trả lại.

Để mùa tuyển sinh sau không còn hiện trạng này tái diễn, thiết nghĩ cần, Sở GDĐT Hà Nội cần có biện pháp khắc phục những hệ luỵ trong mùa tuyển sinh này.

NÓNG: Vụ hàng trăm tỉ đồng ngân sách cho hoạt động giáo dục ở Thái Nguyên: Có dấu hiệu bao che?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn