MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường sử dụng học bạ như một phương thức xét tuyển đại học. Ảnh minh họa: Thiều Trang

Tuyển sinh năm 2023: Kiến nghị bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ

Tường Vân LDO | 11/02/2023 06:33

Trong nhiều năm qua, nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ. Dư luận cho rằng, phương thức xét tuyển này chưa thực sự đảm bảo khách quan, công bằng bởi gây nhiều tiêu cực, nảy sinh trong việc “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ tại các trường.  

Lý do nên bỏ phương án xét tuyển đại học bằng học bạ

Là người từng đưa ra đề xuất bỏ phương án xét tuyển đại học bằng học bạ, thầy Nguyễn Văn Lực, Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hoà cho biết: "Về chủ quan, việc kiểm tra đánh giá giữa các trường thiếu sự đồng đều, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Thông tư 26 và Thông tư 58, hướng dẫn kiểm tra đánh giá học sinh, nhưng khi kiểm tra thường xuyên, nhất là kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, mỗi trường ra đề dễ, khó khác nhau… nên điểm số học bạ cũng có sự khác nhau giữa các trường. Bởi vậy, điểm số không phải là thước đo năng lực thực tế duy nhất của học sinh được thể hiện trong học bạ".

Liên quan đến những băn khoăn của dư luận liên quan đến phương thức tuyển sinh đại học bằng học bạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định. Bộ GDĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế.

Bộ GDĐT nêu rõ, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học. 

Quy định tuyển sinh đại học ngày càng rối?

Mùa tuyển sinh năm 2022, có hơn 20 phương thức xét tuyển sẽ được các trường đại học sử dụng. Trong đó không ít trường áp dụng đến 7 phương thức bằng xét tuyển và tổ chức thi tuyển.

Các quy định về tuyển sinh đại học ngày càng phức tạp, thay đổi hằng năm khiến nhiều phụ huynh và học sinh lớp 12 lo lắng, đứng ngồi không yên.

Trước những băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh, học sinh, Bộ GDĐT cho biết, công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng được cụ thể hóa bằng quy chế tuyển sinh và các năm qua về cơ bản giữ ổn định, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật và cập nhật các quy định của văn bản quy phạm cấp trên và quy định của Chính phủ.

Cụ thể, công tác tuyển sinh đại học năm 2022 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây, đồng thời có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.

Những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả tích cực như: Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực; các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất.

Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các cơ sở đào tạo tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố; Bộ GDĐT có được dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả các cơ sở đào tạo, phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.

Bộ GDĐT cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và chính sách tuyển sinh, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Thống kê của Bộ GDĐT, trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2022, nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng.

Theo Bộ GDĐT, khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, các trường cần hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, đảm bảo hiệu quả, tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.

Bộ GDĐT cũng đề nghị các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng ít tác động đến thí sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn